Bệnh chết cây con trên rau màu hay còn gọi là bệnh lở cổ rễ là bệnh hại phổ biến với các cây trồng như lạc, cà chua, cà rốt, dưa, ớt và một số rau màu khác. Bệnh có thể tấn công suốt giai đoạn sinh trưởng của cây, thường gây thiệt hại nặng cho cây con. Để giúp bà con nông dân chủ động phòng trừ và giảm thiểu tối đa thiệt hại do bệnh lở cổ rễ gây ra đối với các vùng trồng rau, Việt Thắng Hà Nội chia sẻ đến bà con cách nhận biết và biện pháp phòng trừ bệnh chết ẻo cây con trên rau màu như sau:
Tìm hiểu bệnh chết cây con trên rau màu
1. Tác nhân gây bệnh chết cây con ở rau màu
Bệnh do nấm Rhizoctonia solani (thuốc lớp nấm đảm) gây ra. Sợi nấm màu trắng, khi sợi nấm già có màu nâu nhạt và hình thành hạch nấm. Hạch nấm dẹt, màu nâu hoặc nâu tối, kích thước và hình dạng hạch không cố định.
2. Điều kiện phát sinh phát triển bệnh chết cây con trên rau màu
– Nấm bệnh phát triển trong điều kiện nhiệt độ cao (25 – 300C) và ẩm độ cao.
– Nấm lưu tồn trong tàn dư cây bị bệnh và trong đất dạng hạch nấm và sợi nấm; hạch nấm có thể sống trong nước nhiều năm, gặp điều kiện thuận lợi hạch nấm nảy mầm gây bệnh cây trồng.
– Bệnh lây lan qua nước, đất trồng, cây con…
3. Triệu chứng rau màu bị bệnh lở cổ rễ gây chết ẻo cây con
– Bệnh có thể tấn công suốt giai đoạn sinh trưởng của cây, thường xuất hiện ở giai đoạn cây con trong vườn ươm cho đến 1 tháng sau khi trồng. Bệnh gây hại trên nhiều loại cây trồng như rau, đậu, cà, bầu bí, khoai tây… với các dấu hiệu:
+ Dấu hiệu bệnh lở cỗ rễ trên cây con: cổ thân bị úng và teo tóp lại, cây bị ngã ngang nhưng lá vẫn còn xanh tươi, sau đó mới héo lại. Bệnh thường tấn công mạnh vào 5-10 ngày sau khi gieo.
+ Dấu hiệu bệnh lở cổ rễ trên cây lớn: bệnh xâm nhiễm ở thân, nhất là ở phần gốc thân, làm cho mô vỏ bị thối nâu hoặc nâu đen, viền vùng thối không đều đặn và có màu nâu đỏ, phần bệnh hơi lõm vào, sau đó thân bị nứt ra, lá héo khô rồi rụng dần. Cây bị nhiễm bệnh lá rũ có thể bị gảy, cây chậm phát triển và thường bị chết.
– Bệnh được nhận diện dễ dàng nhờ vào dấu hiệu của bệnh, đó là các sợi nấm, hạch nấm của nấm gây bệnh, chúng phát triển ngay trên vết bệnh ở gốc thân, phát triển lan lên thân và vùng đất quanh gốc cây. Rễ bị thối và thường có màu nâu đỏ.
– Tuy nhiên, ở ngoài đồng bệnh thường dễ nhầm lẫn với thiệt hại do ruồi đục thân đậu nành (Melanagromyza sojae), có thể phân biệt nhờ vào các dấu hiệu bệnh nêu trên. Bệnh cũng thường xuất hiện cùng lúc với thiệt hại do ruồi đục thân do điều kiện thời tiết nóng và ẩm đều phù hợp cho hai lọai dịch hại này.
Biện pháp phòng trừ bệnh chết rạp cây con trên rau màu
1. Biện pháp canh tác
– Vệ sinh đồng ruộng, thu gom, tiêu hủy tàn dư cây bệnh.
– Chọn nơi đất tốt, cao ráo, sử dụng phân chuồng đã được ủ hoai mục để làm vườn ươm.
– Cày ải phơi đất, khử trùng đất bằng vôi bột (100kg/1.000 m2),bón phân hữu cơ hoai mục trước khi trồng.
– Lên luống cao, có rãnh thoát nước tốt.
– Trồng đúng mật độ, khoảng cách nhằm tạo độ thông thoáng, giảm độ ẩm, hạn chế nấm bệnh phát sinh, phát triển.
– Nhổ bỏ và tiêu hủy cây bị bệnh để tránh lây lan.
2. Biện pháp hóa học
– Dùng các loại thuốc đặc trị bệnh chết cây con trên rau màu được phép sử dụng, theo nồng độ khuyến cáo và theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng nồng độ và liều lượng, đúng cách).
– Phun thuốc hoặc tưới gốc cây con để phòng bệnh hoặc khi bệnh chớm xuất hiện và xử lý hạt giống có tác dụng phòng trừ nấm ở hạt và bảo vệ cây con bằng thuốc trừ nấm bệnh có hoạt chất Hexaconazole, Difenoconazole, Azoxystrobin, Validamycin, Metalaxyl, Mancozeb (A-V-T Vil 5SC, Asmaitop 325SC, Valivithaco 3SL, Rorigold 720WP).