Lưu ý khi gieo sạ vụ đông xuân 2023 - 2024 ở ĐBSCL

Một số lưu ý khi gieo sạ lúa đông xuân 2023 – 2024 ở ĐBSCL

Dự báo vụ lúa đông xuân 2023 – 2024, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể xảy ra nguy cơ thiếu hụt nguồn nước do ảnh hưởng của xâm nhập mặn và hiện tượng El Nino. Do đó, bên cạnh việc dự phòng nguồn nước ngọt, bà con nông dần cần có những lưu ý quan trọng trước khi tiến hành gieo sạ để đảm bảo quá trình gieo cấy, chăm sóc ruộng lúa diễn ra thuận lợi.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn nước vụ đông xuân 2023 – 2024 ở ĐBSCL

Tại Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu, thu đông 2023, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023 – 2024 vùng ĐBSCL ngày 14/9/2023 tại Cần Thơ, ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam cho biết: Mùa khô 2023 xâm nhập mặn xuất hiện sớm (giữa hoặc cuối tháng 12), muộn hơn so với năm 2015 – 2016 khoảng 10 ngày. Nhiều vùng ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng bị thiếu nước ngọt nên cần tăng cường tích trữ.

Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo từ nay tới tháng 4/2024 vùng ĐBSCL sẽ chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino, các địa phương cần có kế hoạch tích trữ nước.

Tổng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông giảm 10% đến 25%, do đó tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sẽ đến sớm, xảy ra ở mức gay gắt hơn.

Một số lưu ý khi chuẩn bị gieo sạ vụ lúa Đông Xuân tại ĐBSCL

Từ những dự báo nêu trên, bước vào vụ lúa đông xuân, bà con nông dân khu vực ĐBSCL cần lưu ý:

1. Về chọn giống lúa

Cần sử dụng giống lúa xác nhận, ngắn ngày, năng suất cao, có khả năng chống chịu tốt với điều kiện mặn phèn, thiếu nước ngọt vào cuối vụ.

2. Về kỹ thuật làm đất trồng lúa

– Cần làm đất sớm để sạ lúa đông xuân xong trước tháng 12 năm 2023, tránh bị thiệt hại về năng suất do hạn hán cuối vụ gây ra.

– Sau khi thu hoạch lúa vụ hè thu hay thu đông, cần sử dụng chế phẩm vi sinh Bacillus phun lên rơm rạ trên ruộng, tiến hành cày, trục để vùi rơm và gốc rạ vào đất, ngâm nước để phân hủy rơm rạ.

– Khi nước rút tiến hành dọn sạch cỏ dại và tàn dư thực vật trên bờ, dưới ruộng. Làm đất kỹ từ 1 đến 2 lần, san phẳng mặt ruộng, đánh rãnh thoát nước rộng từ 20 – 30 cm, sâu 15 – 20 cm, khoảng cách giữa các rãnh từ 6 – 9m để thuận lợi cho việc thoát phèn, đưa nước vào ruộng và đi lại bón phân, quản lý dịch hại.

– Với những vùng phù sa, đất xám cần tăng cường cày sâu bừa kỹ để bộ rễ lúa ăn sâu, giúp cây sinh trưởng và phát triển khỏe, tăng sức chống chịu hạn hán vào cuối vụ. Trước khi làm đất cần kiểm tra độ chua, độ mặn của đất để có biện pháp rửa mặn phèn và điều chỉnh lượng phân bón lót cho phù hợp.

3. Chuẩn bị hệ thống tưới tiêu

Cần chuẩn bị hệ thống tưới tiêu chủ động để có thể áp dụng biện pháp tưới ngập – khô xen kẽ một cách có hiệu quả nhất, cụ thể:

– Giai đoạn sạ: giữ cho mặt ruộng đủ ẩm từ 4 – 5 ngày sau sạ, sau đó đưa nước vào  ruộng từ 1 – 3cm cho cây mạ phát triển tốt, để nước ruộng cạn tự nhiên.

– Giai đoạn mạ: 7-10 ngày sau sạ, cho nước vào ruộng và giữ mực nước từ 1 – 3 cm để bón phân lần 1 thúc mạ, sau đó để nước ruộng cạn tự nhiên.

– Giai đoạn đẻ nhánh: 17-18 ngày sau sạ cho nước vào từ 1 – 3cm, bón phân lần 2 thúc đẻ nhánh, để nước cạn tự nhiên, nếu mực nước xuống thấp dưới mặt đất 15 cm thì cho nước vào ruộng.

– Giai đoạn làm đòng: 37 – 45 ngày sau sạ, tưới và giữ nước cho lúa phân hoá đòng, đây là giai đoạn bón phân thúc lần 3 nuôi đòng nên không để thiếu nước, sau đó để nước ruộng cạn tự nhiên.

– Giai đoạn lúa trổ: luôn giữ mực nước trong ruộng từ 3- 5 cm liên tục từ 7-10 ngày, sau đó để ruộng cạn tự nhiên. Nếu mực nước xuống thấp dưới mặt đất 15 cm thì tưới.

– Giai đoạn lúa chín: cho khô mặt ruộng từ 7-10 ngày trước khi thu hoạch.