Không chỉ chích hút nhựa lá non và đọt non làm cho cây kém phát triển, rầy xanh hại sầu riêng (hay còn gọi là rầy nhảy, giai đoạn con non là rầy phấn trắng) còn là nguyên nhân khiến sầu riêng dễ bị nấm khuẩn tấn công, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Vậy làm cách nào để phòng trừ rầy xanh gây hại trên cây sầu riêng? Mời bà con cùng Việt Thắng Hà Nội tìm hiểu qua bài viết sau.
Tìm hiểu rầy xanh hại sầu riêng
1. Rầy xanh hại sầu riêng là gì?
Rầy xanh hại sầu riêng có tên khoa học là Allocaridara maleyensis (Chadila Unhawuti) thuộc họ Psyllidae, Bộ Homoptera. Chúng xuất hiện phổ biến ở các vườn trồng sầu ở các nước châu Á như Việt Nam, Thái Lan.
2. Đặc điểm vòng đời, hình thái của rầy xanh hại sầu riêng
Vòng đời rầy xanh gây hại trên sầu riêng kéo dài từ 16 – 45 ngày với 3 pha sinh trưởng gồm:
– Trưởng thành (2 – 21 ngày): Thân dài từ 2,5 – 4 mm, màu xanh lá mạ. Đầu hơi hình tam giác, chính giữa đỉnh đầu có đường vân trắng, và hai bên có chấm đen nhỏ. Cánh trong mờ, màu xanh lục, xếp úp hình mái nhà.
– Trứng (5 – 8 ngày): Có hình hơi cong dạng quả chuối, dài khoảng 0,8 mm. Trứng mới đẻ màu trắng sữa, sắp nở có màu lục nhạt hay hơi nâu. Vòng đời của trứng từ 5 – 8 ngày.
– Rầy non (9 – 11 ngày (mùa Xuân); 7 – 8 ngày (mùa Hè); 14 – 16 ngày (mùa Đông): Rầy xanh non có 5 tuổi, tuy chưa có cánh nhưng gần giống trưởng thành. Rầy mới nở màu trắng trong suốt, dài 1 mm (còn gọi là rầy phấn trắng). Rầy càng lớn chuyển dần sang màu xanh. Cuối tuổi 5 cơ thể dài 2mm.
3. Đặc điểm gây hại của rầy xanh trên cây sầu riêng
– Xuất hiện xuyên suốt trong vườn sầu riêng ở tất cả các giai đoạn (lá non, lá lụa, lá già). Nhưng phát triển mạnh và tấn công khi cây nhú đọt mới (nhú mũi giáo).
– Rầy trưởng thành thường sống tập trung mặt dưới lá, chúng đẻ trứng trong mô lá non và có thể sống tới 6 tháng. Rầy non (ấu trùng) tập trung trong các lá non còn xếp lại chưa mở ra.
– Cả rầy trưởng thành và rầy non đều gây hại cho cây sầu riêng bằng cách chích hút nhựa của lá non, vì thế chúng thường có mật số rất cao trong các đợt cây ra đọt non lá non. Rầy di chuyển rất linh hoạt, khi bị động chúng sẽ nhảy sang các lá khác.
– Lá bị rầy chích hút ban đầu xuất hiện những chấm nhỏ màu vàng, sau đó mép lá bị cháy xoăn lại, khô dần và rụng, đôi khi chỉ còn trơ lại cành bị khô chĩa lên trời. Hiện tượng cháy khô lá và rụng khi bị rầy xanh chích rất dễ nhầm lẫn với các bệnh cây trồng khác như thán thư hay táp nắng, nhiễm mặn.
– Ngoài ra, trong quá trình sinh sống, rầy xanh còn tiết ra các chất là môi trường rất tốt cho nấm bồ hóng phát triển phủ đen bề mặt lá ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của cây.
– Nếu rầy gây hại trong thời kỳ ra hoa sẽ khiến hoa rụng, không thể đậu trái ảnh hưởng đến năng suất của mùa vụ.
Biện pháp phòng trừ rầy xanh hại sầu riêng
1. Biện pháp canh tác
– Thường xuyên thăm, kiểm tra vườn để phát hiện sớm sự xuất hiện của rầy.
– Chăm sóc cây trồng tốt, bón phân cân đối và hợp lý để cây ra đọt non đồng loạt, tránh ra lẻ tẻ tạo cơ hội cho rầy tấn công nhiều lần.
– Cần bón đầy đủ dinh dưỡng giúp cây khỏe, tăng khả năng kích kháng cho cây để giúp cây chống lại sâu bệnh.
2. Biện pháp sinh học
Tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loài thiên địch của rầy xanh trong vườn như nhện, bọ rùa Coccinella, Chrysopa sp., và ong ký sinh,…
3. Biện pháp hóa học
– Chủ động phun ngừa vào các giai đoạn cây ra đọt non từ 2-3cm, phun cách nhau 5-7 ngày/lần. Chú ý nên luân phiên các gốc thuốc khác nhau để tránh rầy kháng thuốc.
– Có thể sử dụng các hoạt chất đặc trị rầy như: Anvado 700WG, Ba Đăng 500WP, Chersieu 50WG
– Lưu ý: Rầy tấn công từ khi lá còn chưa mở, đến khi lá đã thành thục thì rầy không “ăn” nữa => Nên phun thuốc từ khi cây xuất hiện mũi giáo đến khi lá cuối cùng trong cơi đọt mở ra và chuyển sang thành thục.