bệnh khảm lá virus gây hại trên cây dưa chuột (dưa leo)

Bệnh khảm lá trên cây dưa chuột và biện pháp phòng trừ

Bệnh khảm lá trên dưa chuột (dưa leo) là một trong những bệnh hại nguy hiểm, có thể gây mất một phần hoặc toàn bộ năng suất cây trồng. Vậy làm cách nào để nhận biết dưa chuột bị bệnh khảm lá, cách phòng trị căn bệnh này ra sao? Mời bà con cùng Việt Thắng Hà Nội tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau đây.

Tìm hiểu về bệnh khảm lá trên dưa chuột

1. Tác nhân gây bệnh khảm lá hại dưa chuột

– Bệnh khảm lá trên cây dưa chuột do Mosaic virus gây ra. Bọ trĩ (bù lạch), rệp dưa chích hút là tác nhân truyền virus từ cây nhiễm bệnh sang cây khỏe.

– Ngoài dưa chuột, bọ trĩ còn gây hại những cây thuộc họ bầu bí như: dưa lê, dưa gang, bí đỏ, bí xanh… và nhất là dưa hấu. Vì thế việc phòng trừ chúng đôi khi cũng gặp không ít khó khăn do ký chủ của chúng rất phong phú và thường xuyên có mặt trên đồng ruộng.

– Vài năm gần đây, chúng xuất hiện và gây hại ngày một nhiều ở một số vùng trồng rau chuyên canh của các tỉnh phía Nam, đặc biệt là trong mùa khô.

2. Điều kiện phát sinh phát triển bệnh khảm lá virus trên dưa chuột

– Virus gây bệnh khảm ở dưa chuột sinh trưởng và phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hanh. Tuy nhiên, nó vẫn tồn tại và sinh sống được qua mùa đông trong các rễ, hạt, hoa của các loài cây hoa dại lâu năm nhưng chủ yếu vẫn là kí sinh trong các loại cây trồng chính ở ruộng vườn.

– Ruộng vườn khô hạn là cơ hội gia tăng mật độ các loài sâu chích hút một cách chóng mặt,đồng nghĩa với việc tạo điều kiện lý tưởng để bệnh khảm lá virus dưa leo phát triển. Mật độ côn trùng chích hút càng cao thì tỉ lệ cây bị bệnh khảm lá càng nhiều.

– Ngoài ra, bệnh có thể lây lan qua cơ giới như dụng cụ lao động, qua hạt giống.

3. Triệu chứng dưa chuột bị bệnh khảm lá

– Đọt cây bị xoăn lại, biến dạng, dẫn đến cây bị chùn lại, kém phát triển.

– Khả năng ra hoa và đậu quả rất thấp, quả có hình dạng xấu xí, không đạt chất lượng và có vị đắng.

– Bệnh khảm lá gây hại trên toàn bộ giai đoạn của cây dưa chuột nên khi bệnh xuất hiện càng sớm thì cầng gây hại ra những thiệt hại nặng nề cho mùa vụ.

Các biện pháp phòng trừ bệnh khảm lá trên dưa chuột

1. Biện pháp canh tác

– Trồng giống kháng bệnh hoặc không sử dụng nguồn giống ở những ruộng bị bệnh.

– Bón phân đầy đủ, cân đối và tăng cường thêm lượng phân chuồng hoai mục để tăng khả năng chống chịu được bệnh cho cây sinh trưởng tốt.

– Vệ sinh tay chân, dụng cụ (dao, kéo) trước và sau mỗi lần cắt tỉa cành.

– Không nên trồng dưa leo và những cây thuộc họ bầu bí (nhất là dưa hấu) liên tục nhiều năm trên một ruộng, một khu vực, tốt nhất là vận động nhiều chủ ruộng cùng thực hiện công thức luân canh: cứ trồng hai vụ dưa leo (hoặc những cây thuộc họ bầu bí) thì luân canh với một vụ lúa nước hoặc những loại rau màu khác như các loại rau cải, hành, ngò, đậu, ớt… để cắt đứt nguồn thức ăn liên tục có mặt trên đồng ruộng của bọ trĩ. Đây là biện pháp rất quan trọng, nếu làm được hiệu quả sẽ rất cao.

– Phủ bạt nilon (màng phủ nông nghiệp) trên luống dưa, ngoài việc có tác dụng hạn chế cỏ dại và một số bệnh gây hại cho cây dưa, tiết kiệm lượng nước tưới… thì theo một số nghiên cứu của các nhà khoa học, màu bạc của tấm bạt sẽ có tác dụng xua đuổi bọ trĩ trưởng thành đến đẻ trứng, sinh con đẻ cái, tích luỹ số lượng gây hại cho cây dưa leo.

– Với những cây đã bị bệnh nặng, nên nhổ bỏ rồi đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy để tránh bệnh lây lan sang những cây khác..

2. Biện pháp hóa học

– Kiểm tra ruộng dưa thường xuyên (chú ý quan sát kỹ các đọt non và mặt dưới của những lá non), nếu thấy có nhiều bọ trĩ thì có thể sử dụng luân phiên một trong các thuốc có chứa các hoạt chất như: Abamectin, Cypermethrin, Pymetrozine, Profenofos… (Honest 54EC, Pro Ggo 440EC, Chersieu 50WG)

– Do bọ trĩ nằm sâu bên trong đọt, các bạn nên dùng bình xịt có áp suất mạnh và xịt trực tiếp lên các đọt non thì hiệu quả mới cao.