Hơn 500ha cao su chết dần vì bệnh lạ tại Quảng Trị

Quảng Trị: Hơn 500ha cao su chết dần vì bệnh lạ

Nhiều ngày qua, người trồng cao su khắp các huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh như ngồi trên đống lửa vì hàng trăm ha cao su, chủ yếu giai đoạn kinh doanh bị nhiễm bệnh lạ. Cây cao su đổ lá, khô cành một cách bất thường nhưng việc điều động máy bay không người lái để tổ chức phun trừ đang gặp nhiều khó khăn càng khiến người dân bất an.

Diện tích cao su nhiễm bệnh lạ tăng chóng mặt

Dẫn chúng tôi đi xem 3ha cao su 10 năm tuổi, bà Trần Thị Lan ở thôn Phan Xá Phường, xã Cam Thành (huyện Cam Lộ) không khỏi xót xa. Theo bà Lan, cây cao su nhiễm bệnh kể từ cuối năm 2023 và lây lan với tốc độ chóng mặt. Ban đầu chỉ vài khoảnh, sau đó gần như cả lô cao su của gia đình đều bị khô cành, lá và rụng xuống gốc, gần như không cây nào còn có thể tiết mủ. Cây cao su đang trong thời kỳ khai thác, bình quân mỗi ngày bà thu về trên 1,5 triệu đồng để lo cuộc sống cho 5 miệng ăn trong gia đình. Thế nhưng, những ngày qua, gia đình bà Lan không thu được đồng nào.

“Thông thường, phải 1 – 2 tháng nữa mới đến thời kỳ rụng lá sinh lý. Nếu như rụng lá sinh lý, lá trên cây rơi xuống vẫn còn màu đỏ tươi thì nay lá, cành đều khô cong từ trên cây rồi rụng xuống gốc. Chúng lây lan rất nhanh và chưa có biện pháp cứu chữa”.

Mỗi ngày vào thăm lô, người trồng cao su đều thấy sự thay đổi rất nhanh. Tốc độ khô lá, cành chóng mặt, có những lô gần như toàn bộ diện tích bị khô; mủ không tiết nên người dân đều ngừng cạo. Là bệnh lạ nên người trồng cao su tại Quảng Trị hiện nay rất lúng túng.

Ông Lê Văn Bình, thôn Phan Xá Phường, xã Cam Thành (huyện Cam Lộ) có 1ha cao su trên 10 năm tuổi. Bệnh lạ trên vườn cao su của gia đình ông xuất hiện từ đầu tháng 1/2024. Đến nay, trên 90% số cây cao su trong lô của gia đình ông đều đã bị nhiễm bệnh. Ông Bình cho rằng, nếu bệnh trên cây cao su có được cứu chữa kịp thời thì nguy cơ giảm năng suất, sản lượng những năm sau là rất cao.

“Nhìn các lô cao su trong thôn hiện nay rất thê thảm. Cây cao su cao rất khó phun, cần phải phun trừ sâu bệnh bằng thiết bị bay không người lái nhưng chúng tôi không có phương tiện nên đành chờ cấp trên hỗ trợ. Nếu không kịp thời, tôi sợ cây cao su sẽ chết. Nếu khắc phục được, chắc chắn năng suất những năm sau cũng sẽ sụt giảm”, ông Bình cho hay.

Ông Phạm Viết Thanh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cam Lộ cho biết, toàn huyện có 4,1 nghìn ha cao su, trong đó có 3,5 nghìn ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Đến nay đã có 200ha bị nhiễm bệnh lạ, rải đều khắp các xã trồng cao su. Trước thực tế đáng lo ngại trên, UBND huyện Cam Lộ đã giao Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật làm đầu mối, thống kê, rà soát diện tích; tuyên truyền để người dân đăng ký phun trừ bệnh.

“Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị đã phun thí điểm 3ha. Người dân đã đăng ký nhưng đây cũng là thời điểm các hợp tác xã, doanh nghiệp có thiết bị bay không người lái tập trung phun cho lúa đông xuân nên việc liên hệ khá khó khăn. Hi vọng trong ít ngày tới, diện tích cao su bị nhiễm bệnh của người dân sẽ được tập trung phun trừ”, ông Thanh cho biết.

Không chỉ huyện Cam Lộ, bệnh lạ trên cây cao su đang xuất hiện ở tất cả các huyện trọng điểm trồng cây cao su của tỉnh Quảng Trị. Qua kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị, bệnh gây hại rải rác tại các vùng trồng cao su với diện tích nhiễm hơn 500ha, trong đó Cam Lộ 200ha, Vĩnh Linh 250ha, Gio Linh hơn 50ha. Bệnh gây hại trên cả cao su thời kỳ kiến thiết cơ bản và cao su đang trong giai đoạn khai thác nhưng chủ yếu ở các vườn cao su kinh doanh từ 10 năm tuổi trở lên.

Ông Bùi Phước Trang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho hay, hiện nay, cây cao su trên địa bàn tỉnh đang chuẩn bị bước vào giai đoạn rụng lá sinh lý. Qua điều tra, theo dõi của cán bộ kỹ thuật Chi cục cùng phản ánh của người dân và chính quyền địa phương, ngày 8/1/2024, Chi cục đã phát hiện hiện tượng khô cành, rụng lá trên cây cao su giai đoạn kinh doanh ở huyện Cam Lộ. Đây là hiện tượng mới xuất hiện trên cây cao su tại Quảng Trị, phát sinh trùng vào giai đoạn cây chuẩn bị rụng lá sinh lý nên việc thống kê rất dễ nhầm lẫn.

Gửi mẫu giám định xác định nguyên nhân gây bệnh

Trước tình hình đó, Chi cục đã lấy mẫu gửi Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) để giám định, xác định nguyên nhân gây nên hiện tượng khô cành, rụng lá. Đơn vị cũng chỉ đạo cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, điều tra, thống kê diện tích có cùng hiện tượng và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng ban đầu như tạm thời ngừng cạo, vệ sinh vườn, thu gom lá, cành cây bị bệnh đưa ra khỏi vườn tiêu hủy.

Ngày 13/1, Viện Bảo vệ thực vật cũng đã có kết quả phân tích. Theo đó, hiện tượng khô cành, rụng lá trên cây cao su tại Quảng Trị là do tổ hợp 2 loại nấm Colletotrichum và Neopestalotiopsis gây ra.

Ngay sau khi có kết quả giám định của Viện Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị đã tham mưu Sở NN-PTNT Quảng Trị ban hành công văn hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh khô cành, rụng lá cao su. Ngày 16/1, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị đã tổ chức phun thuốc trừ bệnh bằng thiết bị bay không người lái tại huyện Cam Lộ và Vĩnh Linh với tổng diện tích 5ha.

Để xác định chủng loài nấm, ngày 18/1, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị tiếp tục thu thập mẫu bệnh tại huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh gửi Trung tâm Giám định – Kiểm định – Kiểm dịch thực vật trực thuộc Cục Bảo vệ thực vật để phân tích, giám định nhằm đưa ra giải pháp và loại thuốc phun trừ hữu hiệu nhất.

“Trong lúc chờ kết quả, ngày 19/1, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục dùng thiết bị bay không người lái để khảo nghiệm hỗn hợp nhiều loại thuốc có cơ chế khác nhau nhằm so sánh, tìm ra loại thuốc có hiệu quả tốt nhất trong phòng trừ và phù hợp với giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây cao su hiện nay”, ông Bùi Phước Trang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị Trang cho biết.