Dứa (hay khóm, thơm) là loại cây ăn quả dễ trồng, không kén đất. Tuy nhiên cũng giống như nhiều loại cây trồng khác, dứa không tránh khỏi bị các loại sâu bệnh gây hại, trong đó có bệnh thối nõn trên cây dứa. Bệnh làm thối ngọn, thối quả, chết cây dứa, gây mất năng suất nếu không được phòng trừ kịp thời.
Sau đây, Việt Thắng Hà Nội sẽ thông tin đến bà con nguyên nhân, đặc điểm và các biện pháp phòng trừ bệnh thối nõn gây hại dứa hiệu quả.
Tìm hiểu bệnh thối nõn trên cây dứa
1. Tác nhân gây bệnh thối nõn ở dứa
Nguyên nhân chính gây bệnh thối nõn dứa là do nấm Phytophthora nicotianae và Phytophthora parasitica. Trường hợp dứa bị thối nõn phát sinh thêm mùi khó ngửi đó là do cây bị nhiễm thêm vi khuẩn Pseudomonas và Erwinia gây nên hiện tượng thối bó mạch dẫn.
2. Điều kiện phát sinh phát triển bệnh thối nõn trên cây dứa
– Bệnh thối nõn dứa xuất hiện gây hại trong điều kiện nhiệt độ không khí từ 15 – 22 oC, ẩm độ không khí cao trên 80%, kèm theo mưa phùn và sương mù.
– Những vườn dứa bón phân không cân đối, nhất là bón nhiều phân đạm dễ bị nhiễm bệnh và bị bệnh gây hại nặng. Nếu bón phân N, P, K, Ca, Mg, và phun bổ sung B và Zn dứa ít bị nhiễm bệnh và bệnh gây hại nhẹ.
– Thời điểm bệnh thối nõn trên cây dứa bắt đầu xuất hiện gây hại từ tháng 11 và kết thúc vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm sau. Thời kỳ bệnh gây hại mạnh nhất trong khoảng tháng 1 đến tháng 3.
– Những vườn dứa dùng đất đèn xử lý ra hoa vào tháng 10 đến tháng 3 năm sau dễ bị nhiễm bệnh và bệnh gây hại rất nặng; trong thời gian này nếu cần xử lý cho cây ra hoa nên dùng chất Ethrel.
– Nguồn bệnh có thể lưu truyền trên đồng ruộng trong đất trồng dứa đến 6 tháng và lưu từ năm này qua năm khác trên các phần thân chồi dứa chưa bị phân huỷ.
3. Dấu hiệu nhận biết dứa bị bệnh thối nõn
3.1. Triệu chứng dứa bị thối nõn trên ngọn
– Bệnh thường bắt đầu từ tim hoa thị của cây, nguồn bệnh vào nõn cây có thể theo nguồn nước chảy tràn, nước mưa bắn đất vào trong nõn mang theo nguồn vi sinh vật gây bệnh.
– Nấm tấn công làm thối rữa mềm các mô trắng của lá non nhất ở trung tâm của mô phân sinh đỉnh.
3.2. Triệu chứng bệnh thối nõn gây hại trên gốc thân dứa trên mặt đất
– Cây biểu hiện sinh trưởng chậm là dấu hiệu ban đầu của bệnh thối rễ. bệnh thường tấn công ngay lõi thân cây khóm làm cho phần thân bị thối đen và làm cây chết hoàn toàn.
– Nếu bị bệnh tấn công muộn, khi cây đã trưởng thành cho trái phẩm chất kém, nếu bệnh xuất hiện sớm ngay sau khi trồng có thể gây chết cây con.
3.3. Dấu hiệu nhận biết bệnh thối nõn dứa trên lá
– Nấm bệnh nấm xâm nhập vào lá qua vết thương trên lá, vết bệnh có dạng hình tròn hoặc hơi tròn, đường kính vết bệnh khoảng 0,5-1cm, màu trắng nhờ, hơi lõm.
– Trên lá thường có một vài vết đến vài chục vết, những vết bệnh nằm gần nhau liên kết lại thành vết lớn hơn có đường kính tới vài centimet. Lá chuyển dần sang màu vàng, nâu, rồi đỏ, cuối cùng là cong lại và chết khô.Lá bị nhiễm bệnh có thể được kéo ra khỏi cây dễ dàng và khi bệnh phát triển nặng, cây sẽ chết.
3.4. Triệu chứng bệnh thối nõn trên cây dứa ở phần rễ
Rễ bị thối đen, vỏ rễ có thể dễ dàng bị tước đi khỏi cây. Để kiểm tra hoại tử gốc, nắm chặt phần ngọn và kéo mạnh. Cây khỏe mạnh sẽ vẫn vững chắc neo trong lòng đất, cây bị ảnh hưởng do bệnh với rễ bị thối có thể dễ dàng kéo ra khỏi đất.
3.5. Biểu hiện bệnh thối nõn dứa trên trái
Trái bị bệnh thường bị thối nâu, lan dần từ vùng cuống trái trở xuống, làm trái nứt ra, thịt trái bị thối nhũn, chảy nước có mùi hôi chua và có thể thấy tơ nấm trắng phát triển trên vết bệnh.
Biện pháp phòng trừ bệnh thối nõn trên cây dứa
1. Biện pháp canh tác phòng bệnh thối nõn hại dứa
– Cải thiện việc thoát nước tốt, không để úng cho líp dứa.
– Sau khi thu hoạch tiến hành dọn vườn, khử trùng bề mặt và nâng cao độ pH của đất bằng vôi bột với lượng 1.000kg/ha,chia làm 2 lần, mỗi lần 500kg (không rắc trực tiếp vào gốc và rễ cây); hoặc rắc xuống hệ thống rãnh thoát nước(500-700 kg/ha) để khử trùng nguồn bệnh.
– Vệ sinh đồng ruộng, loại bỏ các bộ phận của cây dứa bị nhiễm bệnh tránh sự lây lan. Hủy bỏ các cây bị bệnh nặng không có khả năng phục hồi, sau đó rải vôi vào hố để khử trùng.
– Bón phân cân đối, tránh thừa phân đạm. Không bón đạm hoặc phun chất kích thích khi cây đang bị bệnh, chỉ tiến hành chăm sóc bón phân sau khi đã phun trừ bệnh và bệnh ngừng phát triển. Tăng cường bón phân hữu cơ cho đất tạo độ tơi xốp, thông thoáng, đồng thời sử dụng chế phẩm nấm Tricoderma, xạ khuẩn Streptomyces để hạn chế nấm bệnh.
– Tránh vun gốc hoặc làm cỏ trong mùa mưa vì có thể làm văng các bào tử nấm lên cây.
– Sau khi hết chu kỳ, trước khi trồng lại dứa, đất cần được cải tạo, luân canh với các cây trồng khác, đặc biệt là với một số cây họ đậu sẽ có tác dụng cách ly và hạn chế nguồn bệnh tồn lưu trong tàn dư cây dứa và trong đất. Tiến hành trồng luân canh cây dứa với các cây trồng khác ít bị nhiễm bệnh như bắp, mía, đậu nành, đậu phộng trong vòng 1 – 3 năm trước khi trồng dứa.
– Lựa chọn giống kháng bệnh.
2. Biện pháp hóa học phòng trừ bệnh thối nõn trên dứa
Tại những vùng thường xuyên bị bệnh thối nõn dứa gây hại nặng, vùng đất phèn, trũng có thể sử dụng một số loại thuốc trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam có hoạt chất trị nấm Metalaxyl + Mancozeb (tên thương phẩm Rorigold 720WP) và hoạt chất phòng trị vi khuẩn Kasugamycin (tên thương phẩm Kamsu 2SL) để phun khi bệnh chớm xuất hiện, phòng ngừa và hạn chế sự lây lan của bệnh.