bệnh đốm mắt cua trên rau mồng tơi

Bệnh đốm mắt cua trên rau mồng tơi và biện pháp phòng trừ

Bệnh đốm mắt cua là bệnh hại thường gặp trên rau mồng tơi. Bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa. Nếu không được phòng trừ kịp thời bệnh sẽ lây lan rất nhanh. Ngay sau đây mời bà con cùng Việt Thắng Hà Nội tìm hiểu bệnh đốm mắt cua trên rau mồng tơi và các biện pháp phòng trừ.

Tìm hiểu bệnh đốm mắt cua hại rau mồng tơi

1. Tác nhân gây bệnh đốm mắt cua trên rau mồng tơi

Bệnh đốm mắt cua rau mồng tơi còn có tên gọi khác là bệnh đốm nâu, do nấm Cercosspora sp. gây ra. Nấm gây hại chủ yếu trên thân và lá làm lá bị rách dẫn đến giảm diện tích quang hợp, cây còi cọc, ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng rau.

2. Điều kiện phát sinh, phát triển bệnh đốm mắt cua ở rau mồng tơi

– Nấm phát triển thích hợp trong điều kiện độ ẩm cao, mùa mưa là thời điểm thích hợp cho bệnh phát triển.

– Nấm có thể tồn tại trên tàn dư cây rau còn lại trên đồng ruộng và lan truyền bệnh qua vụ sau.

– Trên những ruộng trồng mật độ quá dày và bón dư phân đạm, bệnh dễ xuất hiện và lây lan với tốc độ nhanh.

3. Dấu hiệu nhận biết rau mồng tơi bị bệnh đốm mắt cua

3.1. Dấu hiệu bệnh đốm mắt cua trên lá rau mồng tơi

– Bệnh gây hại nặng nhất trên lá bánh tẻ và lá già. Trên lá xuất hiện các đốm nhỏ hình tròn, màu nâu hoặc sậm. Bệnh càng nghiêm trọng thì kích thước đốm càng lớn, đường kính dao động từ 2-4mm.

– Phần giữa đốm có màu trắng, xung quanh viền màu tối như nâu, tím… Những đốm này liên kết với nhau tạo thành mảng, khiến lá rau bị rách tơi tả, lá nhỏ, cây còi cọc.

– Khi lá mồng tơi đã xuất hiện đốm thì rất khó chữa, chỉ có thể phun thuốc diệt trừ khi lá mới chớm bệnh.

3.2. Dấu hiệu thân cây rau mồng tơi bị đốm mắt cua

Trên thân rau, bệnh phát triển thành đốm nâu nhỏ. Các vết này hơi lõm nhẹ vào trong, khiến thân cây phát triển chậm, sức leo kém.

Biện pháp phòng trừ bệnh đốm mắt cua trên rau mồng tơi

1. Biện pháp canh tác

– Trước khi trồng, cần cày bừa đất và phơi ải, bón vôi, phun thuốc trị các bệnh nấm, làm sạch cỏ dại, bón lót bằng phân chuồng đã ủ hoai mục.

– Sử dụng hạt giống kháng bệnh hoặc đã được xử lý bằng các loại thuốc kháng nấm.

– Không sử dụng cây con đã nhiễm bệnh. Khi mua cây giống, cần chọn cây khỏe mạnh.

– Nên trồng với khoảng cách cân đối (luống rộng 1m, rãnh sâu 30cm, rộng 25cm)

– Bón phân NPK cân đối, ưu tiên bón phân hữu cơ đã ủ hoai mục và phân hữu cơ vi sinh cho cây sinh trưởng tốt, khả năng kháng bệnh cao

– Tưới đủ nước, thường xuyên xới xáo, diệt cỏ dại, cắt bớt lá già sau mỗi lần thu hoạch cho ruộng vườn thông thoáng

– Khi phát hiện cây bị bệnh, nhanh chóng thu gom và tiêu hủy các bộ phận cây bị bệnh và tiến hành phun thuốc phòng trừ.

2. Biện pháp hóa học

Để ngăn ngừa và điều trị sớm bệnh đốm mắt cua trên rau mồng tơi, bà con có thể sử dụng các loại thuốc trừ nấm sau: Fovathane 80WP, Đồng Clorul – Oxi 30WP, Supertim 300EC.