Bệnh thán thư trên cây sầu riêng

Bệnh thán thư trên cây sầu riêng và các biện pháp phòng trừ

Bệnh thán thư là một trong những bệnh gây hại nặng trên cây sầu riêng vào mùa mưa. Bệnh gây hại chủ yếu trên lá, làm lá khô cháy dần và rụng sớm, ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, khiến cây suy yếu. Một khi sầu riêng nhiễm bệnh thán thư sẽ lây lan và phát triển rất nhanh. Vì vậy bà con cần nắm rõ nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng cây bị bệnh để có các biện pháp phòng ngừa kịp thời.

Tìm hiểu bệnh thán thư trên cây sầu riêng

1. Tác nhân gây bệnh thán thư ở sầu riêng

– Bệnh thán thư trên cây sầu riêng do nấm Colletotrichum spp gây ra. Đây cũng là loại nấm gây ra bệnh thán thư trên các loại cây trồng khác.

– Khi trong vườn có một cây bị nhiễm, bào tử nấm gây bệnh thán thư sẽ được truyền theo gió, nhanh chóng lan từ cây này sang cây khác. Chúng cũng có thể rơi vào đất và lan truyền qua nước tưới hay mưa.

2. Điều kiện phát sinh phát triển bệnh thán thư trên sầu riêng

– Bệnh thán thư trên cây sầu riêng phát sinh mạnh trong điều kiện ẩm độ cao, sương mù nhiều. Đặc biệt bệnh thường xâm nhiễm mạnh ở giai đoạn đọt non, lá non mới mở trong điều kiện thuận lợi.

– Trong các vườn sầu riêng ít được chăm sóc, hoặc chăm sóc không đúng cách như bón phân không cân đối, bón dư đạm và thiếu các chất dinh dưỡng trung vi lượng khác. Những vườn không được cắt tỉa, có tán lá rậm rạp, vườn bị rợp bóng, thiếu ánh nắng chiếu vào nên ẩm độ tăng cao thì bệnh thường nặng.

– Bệnh cũng phổ biến ở vườn sầu riêng trồng trên đất xấu, ít chất hữu cơ, không được cải tạo và phòng trừ nấm bệnh trong đất thường xuyên.

3. Triệu chứng sầu riêng bị bệnh thán thư gây hại

3.1. Triệu chứng bệnh thán thư trên lá sầu riêng

Lúc đầu, vết bệnh thường phát sinh ở mép hay chóp lá, sau đó lan vào phía trong. Phần phiến lá có màu nâu đậm, vết bệnh điển hình là để lại các đường viền hình tròn có màu nâu đậm dọc theo hai bên gân chính của lá. Vết bệnh cũng có thể bắt đầu từ vết thương trên lá do côn trùng, rách do gió hay do chăm sóc. Bệnh nặng làm lá khô cháy dần và rụng sớm, trơ cành.

3.2. Triệu chứng bệnh thán thư sầu riêng biểu hiện trên hoa

Những bông bị nhiễm nấm sẽ có vết thối màu nâu xám. Vết bệnh này sẽ đen và lan dần ra, cuối cùng sẽ khiến hoa bị rụng.

3.3. Triệu chứng quả sầu riêng bị bệnh thán thư

Quả có các vết đốm nhỏ màu nâu hiện rõ ở hốc gai. Vết bệnh nặng chuyển màu đen dần ở giữa và quầng vàng phía ngoài, rồi lan rộng ra, dần dần trái sẽ bị rụng.

Các biện pháp phòng trừ bệnh thán thư hại sầu riêng

1. Biện pháp canh tác phòng bệnh thán thư trên cây sầu riêng

– Chăm sóc cho cây trồng khỏe mạnh, tưới đủ nước và bón đầy đủ dinh dưỡng cho cây.

– Cải tạo nền đất trồng thật tốt, tăng cường bón các loại phân hữu cơ hoai mục hay phân đã được ủ với nấm trichoderma. Tưới bổ sung các chủng vi sinh vật có lợi vào đất.

– Giữ ẩm cho đất trong mùa khô bằng cây cỏ dại hay các vật liệu hữu cơ.

– Cắt tỉa, tạo tán cho cây hợp lý, tránh để vườn rậm rạp, độ ẩm cao.

– Phun phòng nấm bệnh và côn trùng định kỳ.

– Đối với vườn cây con cần che mát cho cây.

– Thường xuyên thăm, kiểm tra vườn để phát hiện sớm bệnh.

– Tiến hành cắt tỉa các cành lá, hoa quả nhiễm bệnh đem đi tiêu hủy, tránh lây lan.

2. Biện pháp hóa học trị bệnh thán thư sầu riêng

– Để phòng ngừa hoặc khi phát hiện bệnh chớm xuất hiện (vết cháy nhỏ ở chót lá), bà con phun các loại thuốc có hoạt chất ngừa: Mancozeb (Fovathane 80WP), Hexaconazole (A-V-T Vil 5SC)

– Khi bệnh đã nặng, cần xử lý ngay bằng các hoạt chất đặc trị: Metalaxyl (Rorigold 720WP), Azoxystrobin + Difenoconazole (Asmai Top 325SC), Propiconazole + Difenconazole (Supertim 300EC)…

Phun từ 2-3 lần đến khi thấy vết bệnh khô lại, mỗi lần phun phải sử dụng các gốc thuốc khác nhau.