dự báo sinh vật gây hại cây trồng

Nguy cơ sinh vật gây hại cây trồng gia tăng tại khu vực Miền Trung Tây Nguyên

Ngày 11/8/2023, Cục Bảo vệ thực vật thông báo theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khu vực đồng bằng miền Trung nắng nóng gay gắt có xu hướng kéo dài, ngày trời nắng, sáng sớm và chiều tối có mưa rào và giông rải rác. Khu vực Tây Nguyên trời nhiều mây, đêm và sáng sớm trời se lạnh, có mưa rào và dông, mưa to đến rất to vài nơi.

Lúa và các loại cây trồng chính đang trong thời kỳ xung yếu. Thời tiết nắng nóng kéo dài ở miền Trung và mưa liên tục tại các tỉnh Tây Nguyên là điều kiện thuận lợi cho sinh vật gây hại phát sinh và gia tăng gây hại.

Dự báo sinh vật gây hại trên các loại cây trồng khu vực miền Trung & Tây Nguyên

Trước tình hình trên, Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung (thuộc Cục Bảo vệ thực vật) đề nghị Chi cục các tỉnh cần phân công các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, phối hợp với các Trung tâm nông nghiệp, Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện bố trí cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn, điều tra phát hiện và dự tính dự báo các đối tượng sinh vật gây hại trên các loại cây trồng để có biện pháp xử lý kịp thời tránh gây ảnh hưởng đến sản xuất.

1. Dự báo sinh vật gây hại trên cây lúa

1.1. Tại khu vực đồng bằng

Lúa hè thu trà sớm đang trong giai đoạn ngậm sữa – chín, trà chính vụ giai đoạn đòng – trổ, trà muộn giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng. Trong đó, cần chú ý:

Rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh từ giữa vụ, tăng dần về mật độ, diện tích nhiễm vào giai đoạn lúa đòng trổ – chắc xanh.

Bệnh đạo ôn lá, bệnh đạo ôn cổ lá + cổ bông gây hại trên lúa ở Ninh Thuận, Bình Thuận và các huyện miền núi trong điều kiện nắng mưa xen kẽ, độ ẩm không khí cao.

– Bệnh lem lép thối hạt phát sinh hại nặng trên giống nhiễm ở giai đoạn lúa trổ – ngậm sữa trong điều kiện nắng nóng xen kẽ mưa giông.

1.2. Tại khu vực Tây Nguyên

Lúa hè thu trà sớm đang trong giai đoạn đòng – trổ, trà chính vụ giai đoạn đứng cái – làm đòng, trà muộn giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Trong đó, cần chú ý bệnh đạo ôn lá, bệnh đạo ôn cổ lá + cổ bông… phát sinh gây hại trên lúa đòng trổ – ngậm sữa.

Cần chỉ đạo phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông khi lúa trổ lác đác trong điều kiện thời tiết ngày nắng, sáng sớm và chiều tối có rào và giông; đặc biệt trên các giống nhiễm và những diện tích nhiễm bệnh đạo ôn trên lá. Lúa giai đoạn đẻ nhánh – đứng cái cần chú ý bệnh đạo ôn lá… gia tăng gây hại mạnh trên diện rộng trong giai đoạn xung yếu của cây lúa.

2. Dự báo sinh vật gây hại trên cây sầu riêng

Bệnh nứt thân, xì mủ sầu riêng tiếp tục gia tăng gây hại trong điều kiến thời tiết bất thuận và bón phân NPK không cân đối, sử dụng phân chuồng chưa hoai mục ở giai đoạn chăm sóc sau thu hoạch. Vì vậy, cần tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn nông dân áp dụng Quy trình kỹ thuật quản lý bệnh Phytopthora hại cây sầu riêng do Cục Bảo vệ thực vật ban hành.

3. Dự báo sinh vật gây hại trên cây sắn

Bệnh khảm lá virus tiếp tục gây hại ở các tỉnh trong vùng. Đề nghị Chi cục các tỉnh đẩy mạnh công tác tập huấn cho nông dân quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá sắn của Cục Bảo vệ thực vật; Quy trình canh tác sắn, quy trình sản xuất giống sắn sạch bệnh khảm lá và quy trình tự sản xuất giống sắn sạch bệnh khảm lá của Cục Trồng trọt.

Khuyến cáo nông dân tiêu hủy triệt để các ruộng bị bệnh và tàn dư nguồn bệnh sau thu hoạch theo quy trình kỹ thuật của Cục bảo vệ thực vật. Đồng thời, chủ động xây dựng các mô hình nhân giống sạch bệnh, giống kháng bệnh, nhà màng nhân giống kháng bệnh cung ứng cho người dân theo quy trình kỹ thuật nhân nhanh giống sắn kháng bệnh khảm lá ban hành kèm theo quyết định số 105/QĐ-VNNMN-VP, ngày 27/4/2023 của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam.

4. Dự báo sinh vật gây hại trên cây dừa

Sâu đầu đen phát sinh gây hại chủ yếu trên các vườn dừa già, bỏ hoang. Vì vậy cần tiến hành chặt, thu gom, tiêu hủy toàn bộ diện tích bị nhiễm bằng hình thức đốt toàn bộ các tàu lá, quả, các phát hoa bị sâu đầu đen gây hại. Hạn chế vận chuyển cây dừa giống, các cây ký chủ phụ (cau, chuối…) và trái dừa bị nhiễm sâu đầu đen sang các vùng khác để hạn chế lây lan.