Sâu đục thân bướm hai chấm là loài sâu bệnh hại lúa gây hại trong tất cả các vụ lúa và các giống lúa. Để bảo vệ đồng ruộng, giúp cho cây trồng đạt năng suất cao nhất, bà con cần nhận biết các đặc điểm hình thái, dấu hiệu phá hoại của sâu đục thân 2 chấm hại lúa. Từ đó có các biện pháp phòng trừ sâu đục thân bướm hai chấm hiệu quả.
Sâu đục thân bướm hai chấm là gì?
Sâu đục thân bướm 2 chấm hại lúa có tên khoa học là Scirpophaga Incertulas Walker, thuộc họ Ngài sáng (Pyralidae), bộ Cánh vảy (Lepidoptera). Loài sâu này được tìm thấy ở rất nhiều nơi trên thế giới như Nepal, Afghanistan, Đông Bắc Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản…
Tại Việt Nam, sâu đục thân hai chấm là loài dịch hại chính trên ruộng lúa, xuất hiện tại các vùng trồng lúa trên cả nước. Ở miền Trung và miền Nam, sâu đục thân hai chấm có thể gây hại trong tất cả các vụ lúa do chúng ưa thích và phát triển trong điều kiện ấm, nóng, độ ẩm cao. Ở miền Bắc, những năm mùa đông rét đậm kéo dài, vụ mùa khô hạn thường phát sinh nhiều sâu bướm hai chấm. Trong một năm, sâu đục thân bướm hai chấm có thể có tới 6 – 7 lứa, gây thiệt hại nhiều nhất là lứa 2 (vào tháng 5) và lứa 5 (vào tháng 9) làm cho bông lúa bị bạc.
Các đặc điểm hình thái của sâu đục thân bướm hai chấm
– Ổ trứng hình bầu dục, trên mặt phủ lớp lông màu vàng nhạt, ở giữa nhô lên. Khi mới đẻ trứng có màu trắng, sau chuyển ngà vàng, khi sắp nở trứng có màu đen.
– Sâu non có màu trắng sữa, đầu màu nâu vàng. Chân bụng sâu non ít phát triển, móc bàn chân bụng có 28 cái xếp thành hình elip.
– Nhộng: Nhộng cái có chân sau dài hết đốt bụng thứ 5, nhộng đực có chân sau dài tới đốt bụng thứ 8. Nhộng mới hóa có màu trắng sữa, sau chuyển màu vàng nhạt.
– Con trưởng thành:
+ Ngài cái có thân màu trắng vàng hoặc vàng nhạt, cuối bụng có chùm lông màu vàng nhạt, giữa cánh trước có một chấm đen.
+ Ngài đực có đầu ngực và cánh trước màu nâu vàng nhạt hình tam giác, giữa cánh có một chấm đen. Từ đỉnh cánh đến mép sau có một vệt xiên màu nâu đen, mép ngoài cánh có 9 chấm đen nhỏ, mắt kép, to đen.
Đặc điểm sinh học, sinh thái và triệu chứng gây hại của sâu đục thân hai chấm hại lúa
1. Vòng đời của sâu đục thân bướm hai chấm
Vòng đời của sâu đục thân hai chấm hại lúa kéo dài từ 54 – 66 ngày tùy theo điều kiện thời tiết. Vòng đời ở nhiệt độ 26 – 30 độ C sẽ ngắn hơn vòng đời ở nhiệt độ 19 – 25 độ C.
– Giai đoạn trứng kéo dài 8 – 13 ngày
– Giai đoạn sâu non kéo dài 36 – 39 ngày
– Giai đoạn nhộng kéo dài 12 – 16 ngày
– Thời gian ngài vũ hóa đến đẻ trứng: 3 ngày
2. Đặc điểm gây hại của sâu đục thân 2 chấm
Ngài hoạt động về đêm, ban ngày ẩn nấp trong các bụi rậm gần nước, có tính hướng sáng mạnh. Chúng thường giao phối trong đêm và đem sau có thể đẻ trứng. Ngài cái hoạt động mạnh từ 19 – 20h, ngài đực từ 23h – 1h sáng. Mỗi ngài cái có thể dẻ từ 1 – 5 ổ trứng, mỗi ổ có từ 100 – 150 quả. Trứng được đẻ ở mút ngọn lúa trong thời kỳ mạ và khoảng gần giữa mặt trên hay dưới lá trong thời kỳ cấy.
Sâu non khi nở gặm phá chất keo và lông phủ trên ổ trứng chui ra. Nếu lúa đang ở thời kỳ mạ hoặc đẻ nhánh, sâu đục qua bẹ vào đến nõn giữa phá làm cho dảnh lúa bị héo. Nếu lúa sắp trổ hoặc mới trổ, sâu đục qua lá bao của đòng và chui vào giữa rồi bò xuống đục ăn điểm sinh trưởng, cắt đức các mạch dẫn dinh dưỡng làm cho bông lép trắng (bạc bông).
Sâu đục thân bướm hai chấm phá hại nặng trên lúa mùa hơn lúa xuân. Các giống lúa đang trồng hiện chưa có giống nào kháng được sâu đục thân bướm 2 chấm. Đặc biệt, lúa nếp bị hại hơn lúa tẻ.
Trên cùng một giống lúa, giai đoạn sinh trưởng khác nhau sẽ chịu ảnh hưởng mức độ hại khác nhau. Nếu sâu ra rộ ở thời kỳ lúa đẻ nhánh, làm đòng, trổ bông thì mức độ bị hại có khả năng lớn hơn so với các giai đoạn sinh trưởng khác. Bướm vũ hóa rộ trước khi lúa trổ từ 5 – 7 ngày tỉ lệ bị hại rất nặng. Bướm vũ hóa sau khi lúa trổ hoặc trùng với thời gian lúa trổ, tỉ lệ bị hại sẽ nhẹ hơn.
Trong một năm, sâu đục thân hai chấm hại lúa phát sinh 6 – 7 lứa. Trong đó, cần chú ý lứa 2 (tháng 5) và lứa 5 (tháng 9) vì ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất.
3. Triệu chứng lúa bị sâu đục thân bướm hai chấm gây hại
– Giai đoạn gieo mạ hoặc lúa làm đòng: Sâu đục thân lúa đục xuyên qua bẹ lá bên ngoài, đục vào đến nõn giữa, hút chất dinh dưỡng làm cây mạ bị chết khô, dảnh lúa bị héo. Cây mạ khi còn nhỏ bị hại có thể chết khô, nếu mạ đã lớn bị hại thì dễ bị đứt gốc khi nhổ mạ.
– Giai đoạn lúa đẻ nhánh: Sâu đục vào phần dưới của thân, cắt đứt tổ chức bên trong phá hại chức năng dẫn nhựa làm cho lá non trước tiên bị cuốn dọc, có màu xanh tái sẫm, dần chuyển sang màu vàng và héo khô.
– Giai đoạn lúa đứng cái làm đòng: Sâu non tập trung phá hại phía trong bẹ và đục vào ống.
– Giai đoạn trổ bông: Sâu đục vào cuống bông, cắt đứt sự vận chuyển dinh dưỡng của bông lúa hoặc sâu tuổi nhỏ tập trung cắn nát đòng, bông lúa không trổ hoặc nếu trổ thì các hạt bị lép trắng (bạc bông).
Các biện pháp phòng trừ sâu đục thân hai chấm hại lúa
1. Biện pháp canh tác
– Cày lật đất, gốc rạ, làm dầm và cho nước vào trước khi gieo cấy.
– Thu hoạch lúa phải cắt sát gốc, phơi khô đốt.
– Dọn sạch cỏ, phát quang bờ, cắt bỏ bớt lá mạ trước khi cấy.
– Điều chỉnh thời vụ để lúa trỗ lệch thời gian trưởng thành ra rộ của sâu.
– Bón cân đối NPK, không nên bón quá nhiều đạm và bón đạm kéo dài.
– Bố trí cơ cấu mùa vụ thích hợp. Sau khi gặt lúa, cày lật gốc rạ, phơi ải hoặc ngâm nước để diệt nhộng.
– Dùng bẫy đèn bắt bướm khi bướm rộ.
– Tập trung ngắt ổ trứng, gôm lại và đem tiêu huỷ.
2. Biện pháp sinh học
2.1. Bảo vệ thiên địch sâu đục thân bướm hai chấm
Các loài thiên địch quan trọng của sâu đục thân bướm 2 chấm gồm các loài ong ký sinh trứng, các loài ong, ruồi và nấm ký sinh ấu trùng và nhộng, các loài thiên địch ăn thịt như kiến lửa đồng, bọ cánh cứng 3 khoang, dế nhảy, con đuôi kìm, nhện lưới…
Bảo tồn thiên địch trên đồng ruộng rất đơn giản bằng các biện pháp sau đây:
– Không phun thuốc trừ sâu sớm trên ruộng lúa.
– Tạo điều kiện cho thiên địch có nới trú ẩn và phát triển.
– Khi phun thuốc BVTV phải lựa chọn những loại thuốc ít ảnh hưởng thiên địch nhất.
2.2. Trồng hoa trên bờ ruộng để thu hút thiên địch ngay từ đầu vụ.
Áp dụng Công nghệ sinh thái (hay trồng hoa trên bờ ruộng) là một tiến bộ mới nhất trong phòng trị sinh học đối với côn trùng gây hại lúa và có tác dụng đặc biệt với sâu cuốn lá nhỏ hại lúa. Nên trồng hoa sớm trên bờ ruộng để cung cấp nguồn dinh dưỡng cho các loài thiên địch ký sinh thuộc các loài ong ngay từ đầu vụ. Hoa trên bờ ruộng có tác dụng thu hút các loài ong ký sinh đến trú ngụ và chúng tìm trứng sâu và sâu non để ký sinh khi lúa đang đẻ nhánh. Từ đó giảm đáng kể mật độ sâu trên đồng ruộng.
3. Biện pháp hóa học
Phun các loại thuốc trừ sâu đục thân bướm hai chấm hại lúa như: Vithadan 95WP, Vithadan 18SL, Tasieu 1.9EC, Wamtox 100EC. Lưu ý khi dùng thuốc hoá học phải tuân theo nguyên tắc 4 đúng. Trước khi sử dụng xem kỹ hướng dẫn trên nhãn thuốc.