Hiện nay, trên lúa mùa chính vụ tại các tỉnh ven biển và Đồng bằng sông Hồng sâu cuốn lá nhỏ phát sinh, phát triển và gây hại với mật độ cao hơn 4 – 5 lần so với cùng kỳ năm 2022 và những năm gần đây, phân bố trên diện rộng.
Tình hình sâu cuốn lá nhỏ gây hại vụ lúa mùa 2023 tại các tỉnh miền Bắc
Ngày 21/8, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) có văn bản gửi Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) các tỉnh, thành phố phía Bắc; Trung tâm BVTV phía Bắc về việc tăng cường phòng chống sinh vật gây hại trên lúa mùa 2023.
Theo báo cáo của các địa phương, lúa vụ mùa 2023 tại các tỉnh phía Bắc đã gieo cấy được hơn 825.000ha, hiện đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh – đứng cái – làm đòng – ôm đòng. Do điều kiện thời tiết thời gian qua liên tục có nắng mưa xen kẽ, kết hợp với mưa dông, đây là điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sinh vật gây hại phát sinh, phát triển gây hại lúa, đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu và rầy lưng trắng…
Tại một số tỉnh ven biển và Đồng bằng sông Hồng, sâu cuốn lá nhỏ mật độ cao hơn 4 – 5 lần so với cùng kỳ năm 2022 và những năm gần đây.
Mật độ ổ trứng phổ biến 50 – 100 quả/m2, nơi cao 200 – 300 quả/m2, cục bộ 500 – 700 quả/m2 (Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh). Sâu non phổ biến 10 – 20 con/m2, nơi cao 30 – 50 con/m2, cá biệt có nơi 100 – 200 con/m2 (Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Phòng…).
Thời gian tới, mật độ sâu cuốn lá nhỏ tiếp tục gia tăng trên đồng ruộng, có khả năng gây hại nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lúa vụ mùa nếu không chỉ đạo phòng trừ kịp thời, quyết liệt và hiệu quả.
Biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại vụ lúa mùa 2023 tại miền Bắc
Để bảo vệ an toàn cho sản xuất lúa từ nay đến cuối vụ, Cục BVTV đề nghị Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh, thành phố phía Bắc báo cáo Sở NN-PTNT chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn thực hiện nghiêm túc một số nội dung:
– Phân công cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, thực hiện công tác điều tra phát hiện và dự tính, dự báo chính xác thời điểm phát sinh, gây hại của các sinh vật gây hại chính để chủ động hướng dẫn, chỉ đạo phòng, chống.
– Phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng chống kịp thời một số sinh vật gây hại chính trên lúa.
– Hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”, đảm bảo trang bị đầy đủ bảo hộ lao động khi tiếp xúc với thuốc; thu gom và xử lý an toàn, đúng quy định với vỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền về tình hình sinh vật gây hại cây trồng và phương án phòng chống.
– Đối với Trung tâm BVTV phía Bắc, phân công cán bộ theo dõi, phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức thực hiện công tác điều tra phát hiện, dự tính, dự báo và chỉ đạo phòng chống sinh vật gây hại.
Cụ thể biện pháp đối phó với từng sinh vật gây hại:
1. Đối với sâu cuốn lá nhỏ
Tập trung theo dõi và hướng dẫn phòng chống sâu cuốn lá nhỏ trên các trà lúa xanh tốt, bảo vệ an toàn bộ lá đòng để đảm bảo năng suất lúa.
2. Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng
Theo dõi diễn biến phát sinh của rầy trên các trà lúa, nhất là giai đoạn từ trỗ – chín sữa – chín. Tổ chức phòng trừ kịp thời những diện tích có mật độ cao ngay từ khi rầy tuổi 2 – 3 bằng các loại thuốc đặc trị rầy. Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi diễn biến phát sinh của bệnh lùn sọc đen, khoanh vùng phun trừ rầy môi giới truyền bệnh và tiêu hủy cây lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen.
3. Đối với sâu đục thân 2 chấm
Theo dõi chặt chẽ mật độ ổ trứng sâu đục thân 2 chấm trên lúa giai đoạn đòng già – trỗ, nhất là trà muộn trỗ muộn trong vùng để chủ động trong công tác chỉ đạo phòng trừ.
4. Đối với những vùng thường bị bệnh bạc lá gây hại nặng
Đề nghị các chi cục chỉ đạo, khuyến cáo nông dân không bón phân đạm thúc trỗ và nuôi hạt để hạn chế bệnh bạc lá. Ngoài ra, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đặc biệt mưa và bão để kịp thời hướng dẫn nông dân biện pháp phòng chống bệnh bạc lá, đạo ôn cổ bông, đen lép hạt kịp thời.