Ngành nông nghiệp đang hướng đến phát triển các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học
Ngày 6.1, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, thống kê từ năm 2017 đến nay đã có 1.706 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, riêng năm 2 020, Cục Bảo vệ thực vật đã đề xuất Bộ NN-PTNT loại bỏ 1.265 hoạt chất độc, hại của 838 tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật không đáp ứng quy định về quản lý thuốc thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh, việc loại bỏ này giúp danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng sẽ tinh gọn hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng trong việc lựa chọn các loại thuốc an toàn, hiệu quả hơn.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết Việt Nam đã vượt mốc xuất khẩu nông lâm sản trên 40 tỉ USD, trong đó khoảng 50% là sản phẩm ngành trồng trọt. Nhưng để xuất khẩu được nông sản thì phải đáp ứng điều kiện kiểm dịch thực vật và đảm bảo an toàn thực phẩm, cụ thể là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Để gia tăng giá trị, nông sản Việt Nam hướng đến các thị trường khó tính EU, Mỹ, Nhật Bản vốn có tiêu chuẩn rất cao. Nhưng để xuất khẩu thành công, nông dân phải được hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách bài bản để nông sản đáp ứng tiêu chuẩn cao.
Cũng theo ông Hoàng Trung, Bộ NN-PTNT đang đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đăng ký đạt 30%, tăng lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học sử dụng lên 20%, tăng mô hình diện tích sử dụng lên 3 – 5% và tăng 15% số lượng doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật.
Hiện tại, trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam có 1.084 hoạt chất với 4.021 tên thương phẩm, trong đó thuốc bảo vệ thực vật sinh học có 231 hoạt chất với 721 tên thương phẩm, chiếm 18,26% trong tổng số thuốc hiện có trong danh mục.