Dự báo thời tiết vụ đông xuân 2023 – 2024 sẽ ấm hơn mọi năm, vì vậy các địa phương đặc biệt là khu vực phía Bắc cần sớm sẵn sàng các giải pháp ứng phó nguy cơ sâu bệnh hại cây trồng.
Dự báo thời tiết vụ đông xuân 2023 – 2024 trên cả nước
Mùa đông xuân 2023 – 2024, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo trong khoảng 3 tháng (từ tháng 12/2023 đến hết tháng 2/2024), El Nino tiếp tục duy trì, sau đó suy giảm dần và đạt trạng thái trung tính trong nửa cuối năm 2024. Đồng thời, mùa đông 2023 – 2024, không khí lạnh hoạt động yếu hơn trung bình nhiều năm; rét đậm, rét hại có thể xuất hiện muộn và ít hơn so với các năm trước.
Tại khu vực Tây Nguyên và Nam bộ, nắng nóng có khả năng xuất hiện từ tháng 2/2024. Từ tháng 3, nắng nóng có thể lan rộng sang Tây Bắc và Trung bộ, rồi mở rộng từ tháng 4/2024. Khu vực Đông Bắc bộ, nắng nóng dự báo xuất hiện muộn hơn các khu vực khác và tập trung nhiều vào tháng 5 – 6/2024. Đặc biệt, số ngày nắng nóng có khả năng nhiều hơn trung bình nhiều năm khiến nhiệt độ trung bình trên hầu khắp cả nước phổ biến cao hơn từ 0,5 – 1,5 độ C.
Nhìn chung, xu thế khí hậu nửa đầu năm 2024 sẽ là rét đậm, rét hại ít, nắng nóng xuất hiện sớm, nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Mùa mưa bão có khả năng đến muộn hơn so với bình thường.
Cảnh giác nhiều dịch hại bùng phát trên cây trồng mùa vụ 2023 – 2024
Trên cơ sở dự báo khí hậu mùa đông xuân 2023 – 2024, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đề nghị chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật các địa phương phía Bắc thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện và dự báo chính xác khả năng phát sinh, mức độ gây hại của các sinh vật gây hại, tham mưu biện pháp phòng trừ kịp thời, có hiệu quả trên các cây trồng:
1. Đối phó sâu bệnh trên cây lúa
1.1. Vụ đông xuân 2023 – 2024
Bám sát cơ sở, theo dõi chỉ đạo phòng trừ dịch hại có nguy cơ phát sinh gây hại trên diện rộng, nhất là bệnh đạo ôn, chuột, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng…
“Cán bộ địa phương cần tích cực vận động nông dân tăng cường áp dụng IPM, IPHM, SRI trong sản xuất lúa, vừa tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng phát triển khỏe, tăng sức chống chịu với sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá…; rầy nâu, rầy lưng trắng”, ông Dương nói.
1.2. Vụ hè thu – vụ mùa 2024
Bệnh lùn sọc đen có khả năng tiếp diễn, nguy cơ hại tăng, đặc biệt nếu vụ đông xuân có nguồn bệnh cao; bệnh bạc lá nguy cơ gây hại diện rộng vùng ven biển và khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV nhận định, trong vụ đông xuân 2023 – 2024, bệnh lùn sọc đen có nguy cơ gây hại tăng, nhất là tại các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Ninh Bình; bệnh đạo ôn cổ bông hại diện rộng, nặng trên giống nhiễm ở những các địa phương như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương; sâu cuốn lá nhỏ, rầy phát sinh diện rộng, các lứa sâu có thể kéo dài tại các tỉnh ven biển.
2. Đối phó sâu bệnh hại trên cây ngô, rau màu
Cục BVTV đề nghị tăng cường công tác điều tra, phát hiện, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời những diện tích nhiễm sâu keo mùa thu hại ngô có mật độ cao; theo dõi và chỉ đạo nông dân quản lý sâu keo mùa thu theo Quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu mà Cục BVTV đã ban hành, đảm bảo hiệu quả và vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. Đối phó sâu bệnh trên cây sắn
Trên cây sắn, các địa phương cần tiếp tục công tác điều tra, phát hiện bệnh khảm lá, rệp sáp bột hồng hại sắn, bệnh chổi rồng tại các tỉnh trong vùng, đặc biệt lưu ý đến những vùng đã xuất hiện rệp sáp bột hồng để chủ động trong chỉ đạo phòng, chống. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn; chủ động hướng dẫn phòng trừ rệp sáp bột hồng hại sắn.
Lãnh đạo Cục BVTV cũng đề nghị hệ thống BVTV các tỉnh, thành phố phía Bắc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng, các ban ngành liên quan trong việc hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở và bà con nông dân thực hiện tốt công tác phòng trừ sinh vật gây hại, kịp thời dập tắt các loại dịch hại, không để lây lan trên diện rộng. Trong đó có việc phát động phong trào diệt chuột ngay từ đầu vụ đông xuân tại vùng gò bãi, mương máng… bằng nhiều biện pháp, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học, hạn chế sử dụng thuốc hoá học. Ngoài ra, cần kết hợp diệt chuột ngoài đồng, ven làng với việc diệt trừ chuột trong khu dân cư. Chú trọng hai đợt phát động diệt chuột chính cho mỗi vụ là trước gieo trồng 10 – 20 ngày và giai đoạn trước làm đòng.