muỗi hành hại lúa và biện pháp phòng trừ

Muỗi hành (sâu năn) gây hại trên lúa và biện pháp phòng trừ

Muỗi hành hại lúa (hay còn gọi là sâu năn) là loài sâu bệnh gây hại lúa phổ biến ở nhiều vùng trồng lúa tại châu Á, trong đó có Việt Nam. Lúa bị muỗi hành gây hại thường sẽ không trổ bông được, nếu có bông cũng bị lép nhiều, ảnh hưởng tới năng suất lúa. Việt Thắng Hà Nội mời bà con cùng tìm hiểu sâu hơn về muỗi hành và các biện pháp diệt trừ chúng qua bài viết sau.

Tìm hiểu về muỗi hành hại lúa

1. Muỗi hành hại lúa là gì?

– Muỗi hành có tên khoa học là Orselia oryzae, bộ Diptera, họ Cecidomyiidae.

– Muỗi hành gây hại tại nhiều nước trồng lúa ở châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Myanma, Thailand, Trung Quốc, Sri Lanka, Cambodia…

– Tại Việt Nam ghi nhận muỗi hành hại lúa xuất hiện từ những năm đầu thập kỷ 1980 và gây hại khá phổ biến tại các tỉnh miền Trung cũng như Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).

2. Đặc điểm sinh thái của muỗi hành hại lúa

2.1. Đặc điểm hình thái

Vòng đời của muỗi hành hại lúa từ 25-30 ngày, trong đó trứng: 3-4 ngày, sâu non: 15-18 ngày, nhộng: 4-5 ngày, trưởng thành: 2-3 ngày.

– Trứng: Thon dài, mới đẻ có màu trắng, trước khi nở có màu vàng. Trứng được đẻ rải rác ở lá thìa, phiến hay bẹ lá, trứng được đẻ từng quả một hay đẻ thành từng nhóm 3 – 4 quả.

– Sâu non: Giống như dòi, mình dẹt, màu trắng sữa, dài 4 – 5mm. Giai đoạn ấu trùng có 3 – 4 tuổi. Mỗi chồi chỉ có một sâu non và khi ống hành vươn dài ra thì cùng lúc sâu non hóa nhộng.

– Nhộng: Có màu hồng nhạt, trước khi vũ hóa có màu đỏ, dài 2 – 4mm, giai đoạn nhộng dài 3 – 5 ngày, cả sâu non và nhộng sống đều gây hại trong ống hành. Nhộng có thể di chuyển lên xuống trong ống hành. Khi sắp vũ hóa, nhộng di chuyển lên ngọn ống hành, dùng gai bụng đục lỗ, chui nửa mình ra, lột vỏ nhộng để lại trên đầu ống hành để thành trùng (muỗi) bay thoát ra ngoài.

– Trưởng thành: Giống như muỗi nhà, sải cánh dài 3 – 5mm, muỗi cái bụng màu đỏ nhạt, muỗi đực nhỏ hơn muỗi cái, màu nâu vàng, râu 10 đốt. Thành trùng vũ hóa vào ban đêm có thể bắt cặp ngay và đẻ trứng vài giờ sau đó. Con cái đẻ 100 – 200 trứng.

Ban ngày thường đậu trên các khóm lúa gần mặt nước hay cỏ dại ở bờ ruộng. Thành trùng thường ăn sương đêm để sống, thích ánh sáng đèn và vào đèn nhiều vào những đêm trăng sáng. Sức bay yếu nên tầm gây hại hạn chế trong khu vực giới hạn.

2.2. Điều kiện phát sinh phát triển

– Ẩm độ là yếu tố quan trọng làm tăng khả năng sinh sản của thành trùng và khả năng phát triển của ấu trùng.

– Ấu trùng sẽ chết nếu không có những giọt sương đêm hoặc những giọt nước mưa giúp chúng bò dần xuống và chui vào đọt lúa, do đó thời tiết mưa nhỏ, sương mù, ngày nắng yếu hoặc trời có mây âm u rất thuận lợi cho muỗi hành phát triển.

– Ẩm độ 85%-95%, nhiệt độ 26-30oC là điều kiện thuận lợi cho muỗi hành phát triển.

– Ruộng mạ nước bị hại nặng hơn ruộng mạ khô. Những ruộng trũng gần các bờ ao, mương, máng cũng bị hại nặng.

– Lúa khi cấy, lúc hồi xanh hoặc mạ bị hại nặng hơn, thời kỳ đẻ nhánh bị hại ở mức trung bình, thời kỳ đòng – trổ bị hại ít.

– Sự phá hại của muỗi hành có liên quan với tỷ lệ phân đạm cao, ít phân lân.

–  Ngoài ra, sự phát sinh với mật độ cao hay thấp của muỗi hành còn bị chi phối bởi một số thiên địch, đặc biệt là ong ký sinh. Những ruộng thường xuyên sử dụng thuốc trừ sâu, đặc biệt nhất là giai đoạn đầu của cây lúa làm tiêu diệt thiên địch làm muỗi hành sẽ bộc phát và gây hại mạnh hơn.

– Lúa là cây ký chủ chính, ngoài ra muỗi hành còn có ký chủ phụ là các loài cỏ hòa bản trong ruộng, bờ ruộng.

2.2. Đặc điểm gây hại

– Muỗi hành thường tấn công cây lúa giai đoạn đẻ ngạnh trê đến đẻ chồi tối đa (15-30 NSS). Chồi bị ống hành kích thích cây lúa nảy chồi mới nhưng thường là những chồi vô hiệu, nếu có bông cũng bị lép nhiều.

– Thời kỳ lúa ở giai đoạn mạ, cây lúa bị tấn công thường kéo dài đến cuối đẻ nhánh, số nhánh bị giảm, nhánh bị hại không thể làm đòng. Khi ống hành đã vươn ra ngoài cũng là lúc sâu non đã hóa nhộng, xong có thể di chuyển lên xuống trong ống hành. Những ngày trời nắng, từ 15 giờ nhộng chuyển xuống phía dưới. Khi nhộng sắp vũ hóa thì di chuyển lên ngọn chui phân nữa mình ra rồi lột vỏ nhộng để lại trên đầu ống hành.

3. Triệu chứng lúa bị muỗi hành phá hại

– Muỗi hành tấn công cây lúa ở giai đoạn từ mạ đến đẻ nhánh thậm chí ngay cả sau khi lúa có đòng và đến trổ.

– Triệu chứng điển hình khi nhiễm muỗi hành là cây lúa bị lùn, đâm rất nhiều chồi, phần thân hơi cứng, sự tăng trưởng của ấu trùng nằm bên trong làm cho chiều ngang thân cây lúa nở to dần, lá lúa xanh thẫm ngắn, dựng đứng và có nhiều cọng lúa giống như cọng hành lẫn trong bụi lúa.

– Muỗi hành có thể gây thất thoát năng suất cho ruộng lúa đến 50%.

Biện pháp phòng trừ muỗi hành gây hại trên lúa

1. Biện pháp canh tác

– Chọn giống lúa có khả năng chống chịu với sâu năn và thích hợp với điều kiện canh tác của địa phương.

– Xử lý hạt giống không có hiệu quả trong phòng trừ sâu năn hại lúa.

– Vệ sinh đồng ruộng, hạn chế nơi trú ẩn của sâu năn, làm sạch cỏ trên bờ và trong ruộng, vì hầu hết các lọai cỏ thuộc nhóm hòa bản (Poaceae) đều là ký chủ của sâu năn, đặc biệt là lúa cỏ (O.sativa), lúa hoang (O. Rufipogon), cỏ lồng vực (E.crus-galli) và cỏ san nước (Paspalum distichum), lúa rày, lúa chét,…

– Theo dõi bẫy đèn, bẫy màu xanh để xác định thời điểm xuất hiện thành trùng sâu năn để phòng trị kịp thời.

– Gieo sạ đúng lịch thời vụ, đồng lọat theo từng tiểu vùng, tuân thủ khuyến cáo của từng địa phương. Đặc biệt trong vụ Thu Đông và vụ Đông Xuân không xuống giống muộn hơn so với khuyến cáo của địa phương

– Làm đất kỹ, san ruộng bằng phẳng trước khi gieo sạ, nên cày đất, phơi ải trong thời gian 2-4 tuần, tạo điều kiện cho cây lúa phát triển khỏe.

– Gieo sạ với mật độ sạ hợp lý tùy vào tình trạng đất đai 80-100 kg/ha tùy theo mùa vụ và điều kiện đất đai.

– Quản lý nước: Ở giai đọan 1-2 tuần sau sạ nếu có sâu năn xuất hiện nên cho nuớc ngập cao để hạn chế sự phát triển của quần thể sâu năn; ở giai đọan đẻ nhánh nên để ruộng khô để kích thích lúa đẻ chồi.

– Bón phân cho lúa theo nhu cầu dinh dưỡng, không bón thừa phân đạm và tăng cường bón lân, kali; bổ sung thêm phân có hàm lượng canxi, magiê, silic để tăng sức đề kháng cho cây lúa, giúp bảo vệ năng suất lúa.

2. Biện pháp sinh học

Bảo vệ thiên địch tự nhiên của muỗi hành bằng cách ứng dụng công nghệ sinh thái thông qua việc trồng các loài hoa, cây màu phổ biến ở địa phương  như hoa soi nhái, đậu xanh,… trên bờ ruộng trước khi xuống giống 2-4 tuần nhằm gia tăng sự đa dạng hệ thiên địch của muỗi hành hại lúa trong tự nhiên gồm ong ký sinh nhộng (Neanastatus sp.), ong Platygaster oryzae Camerun ký sinh trứng và ấu trùng, các nhóm thiên địch ăn mồi như bọ rùa (Micrapis sp.), kiến ba khoang (Ophionea sp.), nhện lưới (Areneus inustus), nhện sói (Padosa sp.), bọ xít mù xanh (Cyrtorhinus lividipennis) và nhện chân dài (Tetragnatha sp.).

3. Biện pháp hóa học

– Chỉ nên sử dụng trong các trường hợp trồng giống nhiễm nặng khi có điều kiện thời tiết thích hợp cho sâu năn phát triển gây hại và không đựơc phát hiện kịp thời.

– Nên sử dụng thuốc hóa học có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật cho phép, một số hoạt chất có thể sử dụng như hoạt chất Abamectin, hoạt chất Emamectin Benzoate, hoạt chất Permethrin, hoạt chất Cypermethrin.