Bệnh giả sương mai trên dưa chuột (dưa leo) còn được gọi là bệnh phấn vàng, là một loại bệnh truyền nhiễm do nấm gây ra. Bệnh thường xuất hiện trên lá và có thể lây lan ra cả thân, cành, hoa, trái. Nếu bị nặng, cây có thể chết.
Bài viết hôm nay Việt Thắng Hà Nội mời bà con cùng tìm hiểu dấu hiệu nhận biết dưa chuột bị bệnh giả sương mai và các biện pháp phòng trừ hiệu quả nhất.
Tìm hiểu bệnh giả sương mai trên dưa chuột
1. Tác nhân gây bệnh giả sương mai dưa chuột
– Bệnh do nấm Pseudoperonospora cubensis Rostovtzev gây ra. Đây là loại nấm ký sinh chuyên tính (ngoại ký sinh). Nấm tồn tại trong tàn dư cây bệnh và rất dễ lây lan truyền bệnh nhờ gió, nước mưa, nước tưới.
– Ngoài dưa chuột, bệnh giả sương mai còn gây hại trên các cây họ bầu, bí, dưa.
2. Điều kiện phát sinh phát triển bệnh giả sương mai trên dưa chuột
– Bệnh giả sương mai gây hại quanh năm, tuy nhiên bệnh phát triển mạnh nhất khi gặp điều kiện môi trường có ẩm độ cao, nhất là khi có mưa và sương mù vào buổi sáng và có nhiệt độ thích hợp (nhiệt độ không khí trong khoảng > 20oC).
– Nấm gây bệnh tồn tại chủ yếu ở dạng sợi nấm và bào tử. Bào tử nấm được phát tán đi xa nhờ gió đến các cây và ruộng lân cận. Khi gặp điều kiện thuận lợi bào tử nảy mầm xâm nhập vào tế bào mô cây ký chủ. Giai đoạn hữu tính nấm hình thành bào tử trứng, tồn tại ở trên lá và tàn dư cây bệnh. Các triệu chứng xuất hiện từ 4 đến 12 ngày sau khi nhiễm bệnh. Bệnh phát sinh sớm từ khi cây có 3 lá thật, bệnh lây lan rất nhanh và dễ dàng giữa các tầng lá trong một cây hoặc từ cây này sang cây khác, bệnh bắt đầu trở nặng từ khi thu hoạch cho đến cuối vụ.
– Điều kiện thời tiết vụ đông xuân miền Bắc nước ta (từ tháng 11 đến tháng 3) rất thuận lợi cho bệnh sương mai hại dưa leo phát triển, nhất là khi có các đợt rét, nhiệt độ giảm thấp và mưa ẩm kéo dài.
– Bệnh phát triển phá hại nặng trên những ruộng dưa chuột quá ẩm ướt, bón phân NPK không cân đối, đặc biệt trong điều kiện thiếu dinh dưỡng vi lượng, kém chăm sóc, không chú ý vệ sinh đồng ruộng trong thời gian cây đang sinh trưởng và sau khi thu hoạch.
3. Triệu chứng dưa chuột bị bệnh giả sương mai
– Trên lá vết bệnh lúc đầu chỉ là những chấm nhỏ không màu hoặc màu xanh nhạt sau đó chuyển sang màu xanh vàng đến nâu nhạt, hình tròn, đa giác hoặc hình bất định.
– Vết bệnh thường nằm rải rác trên lá hoặc nằm dọc các gân lá, vết bệnh có góc cạnh không định hình.
– Mặt dưới lá chỗ vết bệnh thường hình thành một lớp nấm mốc màu trắng xám đó là các cành và bào tử phân sinh của nấm gây bệnh.
– Bệnh nặng, nhiều vết hợp lại thành vết lớn, gây rách nứt các mô tế bào bị bệnh, thậm chí làm lá biến dạng, cây phát triển yếu và chết.
Biện pháp phòng trừ bệnh giả sương mai hại dưa chuột
1. Biện pháp canh tác phòng bệnh giả sương mai dưa chuột
– Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư cây trồng, có điều kiện nên ngâm nước ruộng một thời gian để diệt nấm.
– Trồng luân canh với cây khác họ ví dụ như vụ thứ nhất dưa chuột, vụ thứ hai rau cải vụ thứ ba khổ qua… Trường hợp muốn tận dụng lại màng phủ, chà cắm vụ thứ nhất là dưa chuột, vụ thứ hai là các loại đậu như cove,…
– Sử dụng màng phủ nông nghiệp giảm ẩm độ xung quanh gốc và để lá không tiếp xúc với mặt đất.
– Mật độ trồng thưa hợp lý không quá dày để tránh bớt ẩm độ cao khi cây giao tán. Đối với giống F1 chỉ nên trồng 1 hạt/hốc, còn giống địa phương có thể trồng 2 hạt nhưng tốt nhất vẫn 1 hạt/ hốc và thu hẹp khoảng cách cây cách cây.
– Bón phân cân đối N-P-K, khi bệnh chớm phát nên ngừng bón phân đạm.
– Kết hợp với việc ngắt bỏ bớt lá già, lá sâu bệnh, dọn sạch cỏ dại trong luống dưa leo, và nếu ánh sáng không lọt vào tán cây nên tiến hành tỉa bỏ bớt các chồi phía trên để tạo thông thoáng.
– Khi có mưa nhiều, hoặc ban đêm có sương, nên kiểm tra kỹ các lá gần mặt đất, nếu có triệu chứng nhiễm bệnh song song với việc thu hái, tiêu hủy các lá già, lá bệnh nên sử dụng thuốc trừ bệnh phun đều trên lá để hạn chế lây lan lên các lá tầng trên.
2. Biện pháp hóa học phòng trị bệnh giả sương mai trên dưa chuột
– Để phun trừ khi bệnh giả sương mai dưa chuột chớm xuất hiện và gặp điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát sinh gây hại của bệnh, bà con có thể dùng một số loại thuốc trừ bệnh cây trồng như Rorigold 720WP, Daconil 500SC.
– Ở những vùng đang có bệnh, phun phòng khi dưa có từ 3 – 4 lá thật hoặc khi khổ qua có từ 5-6 lá thật bằng các thuốc gốc đồng, Rorigold 720WP, Fovathane 80WP và nên phun 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 10 ngày.
– Khi bệnh chớm phát dùng các thuốc gốc đồng, Rorigold 720WP phun trải đều trên lá dưa chuột, nếu bệnh nặng có có thể phun liên tiếp 2 lần, lần thứ hai, cách lần thứ nhất 3 – 5 ngày tuỳ loại thuốc.
– Trong sử dụng thuốc trừ bệnh nên sử dụng luân phiên thuốc, đọc kỹ và thực hiện theo những khuyến cáo ghi trên nhãn thuốc để an toàn cho người, cây trồng.
– Ngoài ra, trong điều kiện trời mát, ít nắng, ẩm độ cao và cây dưa leo đã sinh trưởng được ½ thời gian nếu chúng ta kìm chế được bệnh giả sương mai trên dưa chuột lây lan thì bệnh phấn trắng sẽ phát sinh gây hại do đó ở lần phun thuốc cuối cùng nên thay các loại trên bằng thuốc trừ bệnh A-V-T Vil 5SC.
- Bệnh gỉ sắt gây hại trên cây ngô (bắp) và biện pháp phòng trừ
- Chủ động ứng phó sớm nguy cơ sâu bệnh vụ đông xuân 2023 – 2024
- Xây dựng 50 mô hình cây trồng chủ lực sử dụng thuốc BVTV an toàn
- Rệp muội gây hại trên cây cà phê và các biện pháp phòng trừ
- Hoạt chất Imidacloprid: Cơ chế hoạt động và ứng dụng