Bệnh mốc sương khoai tây là một loại bệnh hại phổ biến trên cây khoai tây. Bệnh lây lan với tốc độ rất nhanh, nếu không được phòng trị kịp thời sẽ gây thiệt hại rất lớn, dẫn đến mất mùa. Bài viết hôm nay Việt Thắng mời bà con cùng tìm hiểu nguyên nhân, đặc điểm và các biện pháp phòng trừ bệnh mốc sương trên cây khoai tây.
Tìm hiểu về bệnh mốc sương khoai tây
1. Tác nhân gây bệnh mốc sương hại khoai tây
Bệnh mốc sương khoai tây do nấm Phytophthora sp. gây ra. Bệnh lần đầu được phát hiện đồng thời ở cả Hoa Kỳ và Châu Âu vào năm 1842 – 1843. Theo nghĩa đen, Phytophthora có nghĩa là “kẻ ăn thực vật”.
Ngoài gây hại trên cây khoai tây, Phytophthora còn là tác nhân gây bệnh mốc sương trên cà chua.
2. Điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh mốc sương ở khoai tây
– Trước khi trồng, vườn không được vệ sinh tàn dư cây vụ trước.
– Vườn được trồng khoai tây và các cây cùng họ như cà chua liên tục, thiếu luân canh, hoặc trồng gần vườn được trồng khoai tây, cà chua, hay một số cây trồng cạn khác như dưa, ớt… vụ trước.
– Gieo trồng bằng giống nhiễm, trồng với mật độ dày, bón phân không cân đối và bị dư đạm, thiếu vi lượng, nên vườn cây rậm rạp.
– Quản lý nước không tốt, làm vườn thường xuyên ẩm thấp.
– Vụ Đông Xuân, thường có nhiệt độ mát hoặc hơi lạnh, ẩm độ không khí cao, ít nắng, mưa phùn, đêm sương mù nhiều… là điều kiện tối ưu cho bệnh phát triển.
3. Triệu chứng khoai tây bị bệnh mốc sương
3.1. Triệu chứng bệnh mốc sương trên lá khoai tây
– Vết bệnh màu nâu, lan rộng dần từ chóp lá vào trong phiến lá hoặc ở cọng lá vào phiến lá hoặc ở mép lá lan vào trong tạo thành từng đám mô bị thối nâu, nhũn khi ẩm ướt hoặc khô khi trời nắng.
– Mặt dưới vết bệnh bao phủ một lớp nấm trắng như sương muối.
3.2. Triệu chứng thân, cành khoai tây bị bệnh mốc sương
– Thân cành khoai tây bị bệnh từng đoạn dài, vỏ và ruột thân thối ướt màu nâu đen. Chỗ bị bệnh nhỏ tóp lại có khi chỉ một phía thân bị thối.
– Khi ẩm ướt, trên vết bệnh có lớp nấm trắng như sương muối bao phủ, phía trên chỗ bị bệnh lá héo dần.
– Cành, thân bị bệnh dễ bị gãy gục làm tan cây xơ xác.
3.2. Dấu hiệu nhận biết bệnh mốc sương ở củ khoai tây
– Trên mặt củ, vết bệnh có màu nâu lõm xuống, to nhỏ khác nhau.
– Khi cắt ngang củ ở chỗ bị bệnh, từ ngoài vào trong ruột có từng chòm mô bị thâm nâu lan rộng vào phía trong.
– Sau một thời gian vết bệnh hình thành lớp nấm trắng mịn.
Biện pháp phòng trừ bệnh mốc sương khoai tây
1. Biện pháp canh tác
– Vệ sinh và tiêu hủy tàn tích bệnh hại trên ruộng, vườn trước khi trồng, nhất là vụ trước đã trồng các cây cùng ký chủ như cà chua, khoai tây, ớt, dưa…
– Sử dụng giống kháng bệnh.
– Trồng với mật độ thích hợp, tránh trồng quá dày, dễ gây rậm rạp, ẩm thấp trong vườn.
– Bón phân cân đối, bổ sung các nguyên tố trung, vi lượng để giúp tăng sức đề kháng của cây như phân bón lá TANO-601.
– Lên luống cao và tưới tiêu nước hợp lý để vườn không bị ẩm thấp thường xuyên.
– Luân canh với cây trồng khác nếu vườn thường xuyên trồng khoai tây và cà chua.
2. Biện pháp hóa học
Trong điều kiện thời tiết âm u ít nắng, sương mù nhiều, có mưa phùn, không khí ẩm thấp và mát, thì cần phòng ngừa trước bằng các loại thuốc trị bệnh mốc sương khoai tây như Daconil 75WP, Daconil 500SC, Đồng Clorul – Oxi 30WP. Nên phun 2 lần cách nhau 5-7 ngày khi bệnh chớm xuất hiện.
Khi thấy bệnh xuất hiện với tỷ lệ 10% trở lên cần dùng xen những thuốc có khả năng diệt trừ bệnh như Rorigold 720WP, Fovathane 80WP.