Nhện đỏ là loài sinh vật gây hại thường gặp trên cam quýt và các cây có múi. Đặc biệt trong điều kiện khí hậu nóng và khô, nhện gây hại nặng ảnh hưởng đến sự phát triển và ra hoa, đậu trái của cây trồng. Cùng Việt Thắng Hà Nội tìm hiểu đặc điểm gây hại và các biện pháp phòng trừ nhện đỏ hại cam quýt qua bài viết sau đây.
Nhện đỏ hại cam quýt là gì?
Nhện đỏ có tên khoa học là Tetranychus sp., thuộc họ Nhện chăng tơ (Tetranychidae), bộ Ve bét (Acariana). Nhện đỏ hại cam quýt xuất hiện ở các vùng trồng cam quýt tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Ngoài cam quýt, chúng gây hại tất cả các loại cây có múi ở tất cả các giai đoạn phát triển của cây.
Đặc điểm hình thái và đặc điểm gây hại của nhện đỏ hại cam quýt
1. Đặc điểm hình thái và vòng đời
Nhện đỏ hoàn tất một thế hệ trong vòng 20 – 40 ngày với 3 pha sinh trưởng gồm:
– Trứng nhện đỏ: có hình cầu hoặc hình củ hành, rất nhỏ, bóng và mọng, thường được đẻ sát gân lá ở cả hai mặt lá. Thông thường trứng nhện được gắn chặt vào mặt dưới của lá, ở những nơi có tơ do nhện tạo ra trong khi di chuyển. Trứng sẽ nở sau khoảng 4-5 ngày.
– Ấu trùng nhện đỏ: có hình bầu dục với 3 đôi chân. Những ấu trùng nở ra thành trùng cái sẽ thay da 3 lần trong khi những ấu trùng nở ra thành trùng đực chỉ thay da 2 lần. Ấu trùng mới nở có màu trắng vàng và chuyển dần sang màu nâu đỏ khi trưởng thành. Giai đoạn ấu trùng phát triển trong khoảng 5 – 10 ngày.
– Thành trùng nhện đỏ hại cam quýt: thân rất nhỏ khoảng 0.4mm, hình bầu dục tròn, có 8 chân, toàn thân phủ lông lưa thưa và có màu đỏ sẫm. Sau khi bắt cặp, con cái bắt đầu đẻ trứng trong 2 – 6 ngày. Mỗi nhện cái thường đẻ khoảng 70 trứng.
2. Đặc điểm gây hại của nhện đỏ trên cam quýt và cây có múi
Do nhện đỏ hại cam có vòng đời ngắn nên mật số tăng lên rất nhanh và gây hại nghiêm trọng nhất là trong mùa nắng. Các thế hệ nhện đỏ tiếp nối nhau trên cây cách nhau 10 đến 20 ngày tùy theo thời tiết. Mùa nắng sẽ nhanh bộc phát mật độ nhện hơn trong mùa mưa. Cho nên các nhà vườn trồng cam quýt phải phun thuốc định kỳ để trị nhện đỏ thường xuyên từ 10 đến 20 ngày/lần.
Nhện đỏ gây hại cam quýt ở tất cả các giai đoạn phát triển và tất cả bộ phận của cây trồng:
– Khi nhện gây hại trên lá sẽ làm cho lá bị biến dạng, có thể xuất hiện các đốm vàng, sọc hoặc biến màu trên bề mặt lá. Nếu bị nhiễm nặng, lá cây có thể bắt đầu rụng
– Khi mật số cao, cả cành non cũng bị nhện đỏ tấn công, cành cũng trở nên còi cọc, khô và chết.
– Trên trái, nhện thường sống tập trung ở phần cuống trái, đáy trái và trong các phần lõm của trái. Khi trái còn non nhện chích hút dịch ở lớp biểu bì làm vỏ trái bị biến màu và các vết thương khô lại tạo nên những đốm sần sùi về sau khi trái lớn lên hình thành nên “bệnh da lu, da cám” làm mất giá trị thương phẩm của trái.
– Hoa bị hại có thể bị thui, rụng
– Ngoài ra, nhện đỏ còn có thể tuyền bệnh virus cho cây.
Để xác định cam quýt bị nhện đỏ gây hại, bà con có thể lấy một tờ giấy trắng, đặt bên dưới cây nghi ngờ có nhện đỏ và rung nhẹ cuống lá. Một số nhện đỏ sẽ rơi xuống giấy. Khi đó có thể nhìn thấy chúng rõ hơn qua kính lúp.
Các biện pháp phòng trừ nhện đỏ hại cam quýt
1. Biện pháp canh tác
– Trồng cam quýt với khoảng cách thích hợp, không nên trồng quá dày làm cho vườn bị um tùm rậm rạp.
– Bón phân cân đối, tưới nước hợp lý, chăm sóc cho cây khỏe, tăng sức chống chịu.
– Cắt tỉa cành tạo tán cho vườn thông thoáng.
– Có thể tiến hành tưới nước theo kiểu phun mưa để rửa trôi nhện bám trên các bộ phận của cây.
2. Biện pháp sinh học
Sử dụng các loài thiên địch tự nhiên để khống chế mật độ nhện:
– Bọ rùa Stethorus và bọ cánh cộc Oligota, thường xuất hiện khi mật độ nhện hại cao
– Bọ trĩ Scolothrips sexmaculatus P. là loài bắt mồi quan trọng trên cam chanh ở California
– Các loài nhện bắt mồi họ Phytoseiidae, phổ biến thuộc giống Amblyseius (đến nay đã phát hiện được khoảng 6 loài)
– Nấm thuộc giống Entomopthora (xuất hiện ở vùng nóng ẩm)
3. Biện pháp hóa học
Sử dụng thuốc trừ nhện đỏ hại cam quýt ATAMITE 73EC để phòng trừ. Với hoạt chất Propragite có thể trừ sạch trứng nhện, nhện non, nhện trưởng thành.
– Cách pha phun: pha 8 – 10ml cho bình 8 lít nước
– Lượng thuốc pha: 0.1 – 0.15 Lượng nước pha: 500 – 600 lít/ha
– Phun ướt đều cây trồng khi nhện mới phát sinh, phun vào lúc chiều mát
Lưu ý: Không được hỗn hợp với thuốc có tính kiềm, dầu khoáng