kỹ thuật trồng cây hồng ngâm

Kỹ thuật trồng cây hồng TL-1 (hồng ngâm) và những lưu ý

Hồng ngâm (hay hồng giòn) là loại trái cây đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì quả phải ngâm trong nước sạch cho hết chát mới sử dụng được, nên người sản xuất hay gọi là hồng ngâm để phân biệt với các giống hồng ăn quả khác như hồng xiêm, hồng nhân hậu… Tuy nhiên, đây là giống cây ăn quả ôn đới, chỉ những địa phương có điều kiện sinh thái tương tự như Bắc Kạn mới trồng được.

Giống hồng TL-1 do PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng và cộng sự của Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) tuyển chọn và khảo nghiệm từ quần thể hồng ngâm bản địa huyện Na Rì (Bắc Kạn). Hồng TL-1 đã được Bộ NN-PTNT công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật và trở thành cây ăn quả đặc sản của tỉnh Bắc Kạn.

Đặc điểm và điều kiện phát sinh, phát triển của giống hồng TL-1

1. Đặc điểm của giống hồng TL1

– Cây sinh trưởng khỏe, thích ứng tốt với điều kiện sinh thái địa phương, khả năng chống chịu sâu bệnh khá, phân cành khỏe, tán cây hình dù, sau trồng 20 năm cây cao từ 10 – 12m, đường kính tán 8 – 10m. Trong năm, cây có 3 lần sinh lộc. Cây ra hoa vào tháng 2 – 3 hàng năm, thu quả tháng 9 – 10. Quả rất dễ xử lý, bảo quản và vận chuyển đi xa.

– Lá hình trứng, mút lá tù, phiến lá dài trên dưới 18cm, rộng gần 14cm, cuống lá dài hơn 1cm. Mặt trên lá màu xanh đậm, mặt dưới xanh bạc hơi ráp, không bóng và nổi rõ các gân. Lộc bánh tẻ màu nâu sẫm, thời điểm hình thành lá non chuyển màu tím xanh.

– Quả tròn dẹt, mã đẹp, núm quả lõm, tai quả có bốn cánh, đáy quả hơi lõm, 4 múi không rõ nét. Khối lương quả trung bình 187 – 230gr (tương đương 5 – 7 quả/kg). Vỏ quả màu vàng đỏ đến vàng sẫm. Thịt quả chắc, màu vàng sáng đến vàng sẫm, ăn giòn, ngọt thanh. Hạt quả lép nhưng đa số là không hạt. Cây trồng 5 năm đã cho năng suất 50kg quả/cây.

2. Điều kiện sinh thái của giống hồng TL-1

– Mỗi giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây thích hợp với một ngưỡng nhiệt độ như: Khi hạt nảy mầm ở 13 – 17 độ C; giai đoạn phát triển cây từ 26 – 30 độ C; thời kỳ phân hóa mầm hoa, cây cần khoảng 800 giờ ngủ nghỉ ở nhiệt độ 8 – 11 độ C; nở hoa từ 20 – 22 độ C; phát triển quả 26 – 27 độ C; quả chín khoảng 18 – 24 độ C. Nhiệt độ ngày đêm chênh lệch càng lớn, chất lượng quả càng ngon, mã đẹp.

– Hồng là cây ưa sáng, không kén đất, cần mực nước ngầm thấp (dưới 1m), pH đất từ 5 – 5,5, lượng mưa trung bình năm từ 500 – 18.00mm, để đạt năng suất cao phải bón cân đối đủ loại phân.

Kỹ thuật trồng hồng TL-1

1. Gieo trồng

– Chọn cây giống khỏe, sạch bệnh, cao trên 40cm, mầm ghép phát triển dài khoảng 20cm, có 2 – 3 cành cấp 1. Thời vụ xuống giống tốt nhất xung quanh tiết Lập Xuân (đầu tháng 2) hoặc trồng tháng 8 – 9.

– Mật độ trồng từ 520 – 620 cây/ha, khoảng cách 4 x 4m hoặc 5 x 6m (tùy theo đất xấu, tốt). Những khu vực mực nước ngầm cao phải lên líp, đắp nấm, làm rãnh thoát nước. Đào hố/đắp nấm trồng cây so le nanh sấu. Kích thước hố, 80 x 80 x 80cm; nấm 50 x 50 x 50cm. Hố đào phải phơi ải trước trồng khoảng 15 – 20 ngày. Riêng khu vực đồi cao phải đào hố trồng theo đường đồng mức

2. Bón phân

– Phân bón/1 gốc: Trước trồng bón lót 20 – 30kg phân hữu cơ hoai mục, 0,7 – 1kg lân supe, 0,3 – 0,5kg kali clorua, nếu đất chua bón thêm khoảng 1kg vôi mỗi hốc. Thời kỳ kiến thiết cơ bản mỗi năm bón 30kg phân hữu cơ mục, 0,3 – 0,5kg Urê, 0,4kg lân supe, 0,5kg kali clorua. Trong đó, tháng 1 – 2 bón 100% phân hữu cơ, 100% phân lân, 30% lượng đạm, 50% lượng kali; tháng 4 – 5 bón 30% lượng đạm, 20% lượng kali; tháng 10 – 11 bón hết số phân còn lại.

– Bón phân thời kỳ khai thác kinh doanh theo bảng dưới. Trong đó, bón đón hoa (tháng 2) 40% lượng đạm, 30% kali, 50% lân supe; nuôi quả (tháng 4 – 5) 20% lượng  đạm, 30% kali, 50% phân lân; sau thu hoạch (tháng 11 – 12) bón nốt số phân còn lại. Với phân hữu cơ, cần đào rãnh bón theo hình chiếu tán cây rồi lấp kín đất; phân hóa học rải dưới tán cách gốc 30cm, sau nạo đất rãnh luống phủ kín phân, kết hợp tủ gốc, tưới giữ ẩm đất thường xuyên.

Lượng quả thu vụ trước (kg/năm) Lượng bón (kg/cây)
Phân hữu cơ Đạm urê Lân supe Kaliclorua
20 25 0,65 0,8 0,4
40 25 1,1 1,4 0,7
60 50 1,3 1,7 0,8
100 50 1.8 2,3 1,1
120 70 2,2 2,8 1,35
150 70 2,6 3,5

1,65

3. Chăm sóc

3.1. Cắt tỉa, tạo tán

Tạo tán cây, bấm ngọn khi cây cao 45 – 50cm, sau chọn để lại 3 – 4 cành cấp 1 khỏe phân đều ra các hướng tạo thành một góc 45 – 60 độ so với thân chính; tiếp tục ngắt ngọn cành cấp 1 khi cành dài 25 – 30cm; làm tương tự để tạo ra các cành cấp 3, đây là những cành cho quả nên không được để chúng giao nhau.

Việc cắt tỉa phải được tiến hành thường xuyên, bao gồm cắt bỏ các cành sâu bệnh, cành vượt, cành gầy yếu, cành mọc quá dày… Kết hợp tỉa bỏ các chùm hoa bé nhỏ, dị dạng, những quả bị sâu bệnh, dị hình và quá nhỏ. Cắt tỉa phải đảm bảo chiều cao cây được không vượt quá 3,5m, chùm hoặc quả nọ cách quả kia từ 4 – 5cm trên cành.

3.2. Phòng trừ sâu bệnh

Trên cây hồng có 2 đối tượng gây hại chính là sâu ăn lá và bệnh giác ban. Sâu phát sinh gây hại quanh năm, nhiều nhất từ tháng 2 đến tháng 9, dùng các thuốc có hoạt chất Cypemethrin (min 90%) để phòng trừ.

thuốc trừ sâu cho cây hồng ngâm wamtox 100EC

Bệnh hại lá và tai quả phát sinh nhiều vào mùa mưa (tháng 5 đến tháng 8), dùng các loại thuốc có chứa hoạt chất Mancozeb + Metalaxyl để phun trừ. Sử dụng thuốc theo khuyến cáo trên bao gói.

thuốc trừ nấm bệnh cho cây hồng ngâm TL-1 Rorigold 720WP

Phun sớm khi sâu non tuổi 1 – 2 và khi bệnh mới phát sinh.

4. Thu hoạch

– Thu hoạch khi có khoảng 30% vỏ quả chuyển màu vàng. Sau nhặt bỏ những quả trầy xước, giập nát, sâu bệnh, phân loại quả cùng kích cỡ, màu sắc để riêng. Cần thu quả vào ngày nắng ráo, khi trời đã hết sương.

– Xử lý chát: Quả hồng sau phân loại đem ngâm vào nước sạch 36h (1 – 2h thay nước 1 lần), cuối cùng vớt quả để nơi khô thoáng từ 10 – 12h sẽ hết chát. Lưu ý, tuyệt đối không được dùng bất kỳ loại hóa chất nào khử chát quả hồng.

– Bảo quản: Quả có thể lưu giữ được hơn 30 ngày ở nhiệt độ 0 – 2 độ C và độ ẩm môi trường 85 – 90%.