dự báo tình hình sinh vật gây hại vụ mùa và thu đông 2023

Dự báo sinh vật gây hại vụ Mùa & Thu Đông 2023

Dựa trên tình hình sinh vật gây hại cây trồng trong tuần 01 tháng 10/2023, Cục Bảo vệ Thực vật Bộ NN & PTNT đã đưa ra dự báo về sinh vật gây hại trong kỳ tới cũng như đề xuất các biện pháp chỉ đạo phòng trừ như sau:

Dự báo sinh vật gây hại chủ yếu trong kỳ tới

1. Trên cây Lúa

1.1. Các tỉnh Bắc Bộ

Rầy nâu – rầy lưng trắng: Tiếp tục hại trên trà lúa chính vụ – muộn, giống nhiễm, mức độ hại phổ biến nhẹ- trung bình, hại nặng cục bộ.

– Sâu đục thân hai chấm: Sâu non gây bông bạc trên trà lúa muộn.

– Bệnh lùn sọc đen: Tiếp tục gây hại cục bộ tại những vùng đã nhiễm bệnh.

– Ngoài ra, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh đen lép hạt, bệnh đạo ôn cổ bông, lúa cỏ, chuột, … tiếp tục hại.

1.2. Các tỉnh Bắc Trung Bộ

– Các đối tượng dịch hại như: Rầy các loại, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, bệnh đen lép, chuột … tiếp tục phát sinh gây hại trên trà lúa mùa muộn tại Thanh Hóa và Nghệ An; mức độ hại phổ biến từ nhẹ đến trung bình, hại nặng cục bộ.

1.3. Các tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

– Đồng bằng: Sâu đục thân 2 chấm, rầy các loại, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn cổ bông,…tiếp tục gây hại trên lúa Mùa giai đoạn trỗ – chín. Sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá…tiếp tục hại chủ yếu lúa Mùa giai đoạn đẻ nhánh – đòng trỗ.

– Tây Nguyên: Bệnh đen lép thối hạt, bệnh khô vằn,…hại lúa Hè Thu, lúa Mùa giai đoạn ngậm sữa-chín. Chuột hại rải rác trên các trà lúa. Ốc bươu vàng hại rải rác trên lúa Mùa, lúa Thu Đông.

1.4. Các tỉnh Nam Bộ

– Rầy nâu: Rầy nâu trên đồng có hiện tượng gối lứa, phổ biến rầy tuổi 2-4; gây hại phổ biến ở mức nhẹ – trung bình trên lúa giai đoạn đòng trỗ, hại nặng cục bộ trên những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và gieo trồng giống nhiễm.

– Bệnh đạo ôn: Có khả năng phát sinh và gây hại tăng trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ, nhất là những ruộng gieo trồng giống nhiễm, sạ dày, bón thừa phân đạm.

– Bệnh bạc lá và bệnh đen lép hạt: Có khả năng phát sinh, phát triển và gây hại tăng do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết có xuất hiện mưa, dông; nhất là những nơi sử dụng phân bón không hợp lý.

– Ngoài ra cần lưu ý: Ốc bươu vàng gây hại trên các chân ruộng thấp, trũng, khó thoát nước mới gieo sạ đến lúa dưới 15 ngày; Chuột gây hại trên trà lúa giai đoạn đòng-trỗ chín.

2. Trên cây rau, màu

Bệnh mốc sương, bệnh virus, thán thư, đốm lá, ruồi hại lá tiếp tục gây hại phổ biến nhẹ – trung bình trên rau họ cà; Trên cây rau họ thập tự chú ý sâu tơ, bọ nhảy, bệnh sưng rễ, thối nhũn, thối hạch, bệnh cháy lá,…

3. Trên cây ăn quả

– Cây ăn quả có múi: Nhện đỏ, sâu vẽ bùa, bệnh sẹo, bệnh muội đen…. hại tăng; Bệnh greening, bệnh chảy gôm, bệnh vàng lá thối rễ tiếp tục phát sinh gây hại xu hướng tăng tại các vùng chuyên canh.

– Cây nhãn, vải: Bệnh chổi rồng nhãn tiếp tục gây hại tại các tỉnh phía Nam; bệnh thối trái trên cây nhãn giai đoạn nuôi quả – thu hoạch hại tăng.

– Cây thanh long: Bệnh đốm nâu, bệnh thán thư,… gây hại tăng trên các vườn thanh long tại các tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ do điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ và ẩm độ cao trong thời gian tới.

– Cây dừa: Bọ vòi voi, bọ cánh cứng tiếp tục phát sinh và gây hại phổ biến ở mức nhẹ – trung bình tại các khu vực trồng dừa; sâu đầu đen có khả năng gia tăng diện tích nhiễm trong thời gian tới, nhất là trên những diện tích vườn dừa cao, lâu năm, khó khăn trong việc chăm sóc cũng như thực hiện các biện pháp phòng, chống.

– Cây sầu riêng: Trong điều kiện thời tiết nắng mua xen kẽ hiện nay, thuận lợi cho bệnh nứt thân xì mủ, bệnh phấn trắng,.. phát sinh, phát triển và gia tăng diện tích nhiễm, nhất là trên những vườn chăm sóc kém, không thoát nước tốt.

4. Trên cây công nghiệp & lương thực

– Trên cây ngô: Sâu keo mùa thu phát sinh và gia tăng gây hại trên ngô Đông; mức độ hại chủ yếu nhẹ – trung bình, cục bộ hại nặng tại các vùng trồng ngô trong cả nước. Ngoài ra, các đối tượng sinh vật gây hại khác như: Sâu khoang, sâu xám, rệp, bệnh khô vằn, bệnh đốm lá… tiếp tục phát sinh gây hại.

– Cây chè: Bọ cánh tơ, rầy xanh, bọ xít muỗi,… phát sinh và gây hại tăng tại các vùng trồng chè khu vực Bắc Bộ, mức độ hại chủ yếu nhẹ – trung bình, cục bộ hại nặng.

– Cây sắn: Bệnh khảm lá virus gây hại tăng tại các vùng trồng sắn trong cả nước, nhất là khu vực Duyên Hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, chủ yếu trên những diện tích đã nhiễm bệnh và tàn dư sau thu hoạch chưa được xử lý triệt để. Ngoài ra, cần lưu ý các đối tượng sinh vật gây hại khác như: bọ phấn trắng, rệp sáp,…

– Cây cà phê: Rệp sáp, rệp vảy, mọt đục cành, bệnh khô cành, bệnh gỉ sắt,… tiếp tục gây hại cà phê giai đoạn quả non – nuôi quả. Ngoài ra, cần chú ý bọ xít muỗi gây hại trên cà phê chè ở Lâm Đồng.

– Cây hồ tiêu: Bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm, tuyến trùng hại rễ… tiếp tục gây hại, hại nặng cục bộ trên những vườn cây lâu năm chăm sóc kém.

– Cây điều: Sâu róm, Bọ xít muỗi, bệnh thán thư,… tiếp tục gây hại, mức độ hại chủ yếu từ nhẹ – trung bình, hại nặng cục bộ.

Đề xuất biện pháp chỉ đạo phòng trừ SVGH chủ yếu trong kỳ tới

1. Chỉ đạo các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ

Điều tra, theo dõi chặt chẽ một số đối tượng hại chính trên lúa Hè Thu – Mùa 2023 như: Rầy nâu – rầy lưng trắng, bệnh virus lùn sọc đen, sâu đục thân 2 chấm, chuột,… để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Thực hiện tốt Công văn số 2126/BVTV-TV ngày 21/8/2023 của Cục Bảo vệ thực vật về việc tăng cường phòng chống SVGH trên lúa Mùa 2023.

2. Chỉ đạo các tỉnh trồng lúa khu vực Duyên Hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đối tượng SVGH chính trên trà lúa Hè Thu, Mùa và Thu Đông 2023 để chủ động các biện pháp phòng, chống và tránh để lây lan diện rộng. Các tỉnh Nam Bộ cần chú ý theo dõi chặt chẽ diễn biến của rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên đồng ruộng, đối với diện tích lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cần hướng dẫn người dân nhỏ bỏ, tiêu hủy cây lúa bệnh để loại bỏ nguồn bệnh trên đồng ruộng và phun trừ côn trùng môi giới truyền bệnh.

3. Chỉ đạo các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ

Theo dõi diễn biến sinh vật gây hại trên đồng, tình hình thu hoạch vụ Hè Thu và tình hình xuống giống lúa vụ Thu Đông- Mùa 2023.Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình và chủ động biện pháp phòng, chống các đối tượng SVGH như: bệnh chết nhanh, chết chậm và tuyến trùng rễ hại trên cây hồ tiêu; rệp, bệnh khô cành, bệnh gỉ sắt hại trên cây cà phê; bọ xít muỗi và bệnh thán thư hại trên cây điều; bệnh nứt, thân xì mủ trên cây sầu riêng; bệnh đốm nâu, ốc… hại Thanh Long.

4. Ngoài ra:

– Chỉ đạo các Trung tâm BVTV vùng, các tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công văn số 944/BVTV-TV ngày 01/6/2020 của Cục BVTV về báo cáo định kỳ.

– Chỉ đạo các tỉnh trồng ngô tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 4962/BNN-BVTV ngày 15/7/2019 của Bộ trưởng về tăng cường chỉ đạo phòng chống sâu keo mùa thu hại ngô.  Theo dõi chặt chẽ diễn biến của sâu keo mùa thu hại ngô, áp dụng Quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu do Bộ NN&PTNT ban hành trong công văn số 218/QĐ-BNN-BVTV ngày 16/01/2020.

– Chỉ đạo các tỉnh trồng sắn tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 5957/CT-BNN-BVTV ngày 06/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn; chủ động hướng dẫn phòng trừ rệp sáp bột hồng hại sắn.

– Chỉ đạo các tỉnh thực hiện tốt Chỉ thị số 9864/CT-BNN-BVTV ngày 19/12/2018 của Bộ NN&PTNT về việc tăng cường công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất.

– Chỉ đạo các tỉnh thực hiện tốt thực hiện Công văn số 2155/BVTV-TV ngày 19/11/2021 của Cục Bảo vệ thực vật về việc tổ chức điều tra diễn biến bệnh rụng lá đốm tròn trên vườn cây cao su.

– Chỉ đạo các tỉnh tiếp tục điều tra, phát hiện và chủ động biện pháp phòng chống sinh vật gây hại trên cây lâm nghiệp.