Bọ xít muỗi hại điều là loài côn trùng đa thực. Không chỉ gây hại trên cây điều, chúng còn chích hút gây hại trên nhiều loại cây trồng khác như ca cao, tiêu, chè, xoài, mãng cầu, cây có múi… và là tác nhân gây ra bệnh thán thư hại điều.
Bài viết hôm nay Việt Thắng mời bà con cùng tìm hiểu chi tiết các đặc điểm của bọ xít muỗi trên cây điều để có biện pháp phòng trị hiệu quả.
Tìm hiểu về bọ xít muỗi hại điều
1. Bọ xít muỗi là gì?
Bọ xít muỗi có tên khoa học là Helopeltis sp thuộc bộ cánh nửa Hemiptera, họ Miridae.
Bọ xít muỗi có thể gây hại điều quanh năm, nghiêm trọng nhất lúc cây ra chồi non, bung hoa và đậu quả. Ngoài việc gây hại trực tiếp do bọ chích hút sẽ làm cho lá và bông bị khô, trái non rụng…, vết chích còn tạo điều kiện phát sinh nấm, nhất là nấm gây bệnh thán thư xâm nhập, sẽ khiến thiệt hại thêm trầm trọng và phòng trị khó khăn, tốn kém.
2. Đặc điểm sinh thái của bọ xít muỗi hại điều
2.1. Vòng đời & hình thái
– Vòng đời bọ xít muỗi từ 15 đến 30 ngày tuỳ vào điều kiện thời tiết
+ Bọ xít muỗi trưởng thành có thể sống trong vài tuần, dài từ 6,5 đến 8,5 mm, có gai nhọn phía giữa ngực, chân dài và mỏng manh.
+ Con cái có thể đẻ 30-50 trứng.
+ Trứng có màu trắng, dài khoảng 1mm, được đẻ rải rác hoặc thành cụm trên phiến lá, cuống lá non, hoặc các bộ phận đang phát triển khác của cây, trứng nở sau một tuần.
+ Ấu trùng có hình thái giống như thành trùng, di chuyển rất nhanh, khi có tiếng động chúng thường trốn xuống mặt dưới của lá hoặc thả mình rơi xuống đất để trốn, thường cư trú trong những cây, bụi rậm xung quanh vườn, chích hút đọt non, lá non hoặc các bộ phận đang phát triển khác của cây, ấu trùng trải qua 5 tuổi với tổng thời gian là 10–16 ngày.
– Trong vườn điều thường xuất hiện hai loại bọ xít muỗi gây hại:
+ Loài thứ nhất bọ xít muỗi xanh (Helopeltis theivora Waterh) có đặc điểm đầu hơi xanh hoặc đen, phần lưng ngực có vệt ngang nâu vàng, bụng màu xanh cẩm thạch, ấu trùng có màu xanh lá mạ.
+ Loài thứ hai bọ xít muỗi đỏ (Helopeltis antonii Sign) có phần đầu đen, phần lưng ngực màu đỏ, ấu trùng có màu đỏ.
2.2. Điều kiện phát sinh phát triển của bọ xít muỗi hại điều
Bọ xít muỗi thích hợp với nhiệt độ từ 25 – 28oC, ẩm độ trên 90%, tiết trời mát, âm u, nóng ẩm. Nhìn chung, bọ xít muỗi có thể sống và gây hại điều quanh năm, tuy nhiên vào mùa mưa và nhất là khi cây ra lá, đọt, hoa, trái non bọ sẽ xuất hiện nhiều và gây hại nặng.
3. Đặc điểm gây hại của bọ xít muỗi trên cây điều
– Bọ xít muỗi thường xuất hiện chích hút nhựa vào sáng sớm và chiều mát, những ngày âm u có thể hoạt động cả ngày.
– Trong năm thường gây hại bắt đầu từ tháng 10 – 11 gây hại cho đến tháng 4 năm sau. Giai đoạn này cây điều tập trung đâm chồi, lá non và ra hoa kết trái. Sâu tập trung sinh sản, phát triển và phá hại mạnh nhất vào những tháng 12, 1 và tháng 2. Riêng những vườn điều còn nhỏ thì sâu xuất hiện gây hại quanh năm do cây luôn phát triển chồi.
– Cả ấu trùng và thành trùng của bọ xít muỗi đều gây hại. Chúng chích vào các mô non (lá non, chồi non, hoa và trái non) để hút nhựa tạo ra các vết thương, tại các vết chích tiết ra các giọt nhựa trong suốt, lâu dần chuyển sang màu nâu đen, tạo thành các vết sẹo trên lá, trên trái, gây biến dạng trái. Nếu mức độ gây hại nặng làm khô chồi non, rụng lá, khô bông, rụng quả non hoặc gây chết cành.
– Vết thương do bọ xít muỗi chích cũng là điều kiện thuận lợi cho các dạng nấm bệnh tấn công, gây hại, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất vườn điều.
Biện pháp phòng trừ bọ xít muỗi gây hại trên cây điều
1. Biện pháp canh tác
– Trồng mật độ vừa phải, không trồng dày.
– Bón phân cân đối, chú ý tăng lượng phân kali và lân.
– Tỉa cành, tạo tán: Thường tiến hành 2 đợt hàng năm, đợt 1 vào thời kỳ thu hoạch xong (tháng 4-5); đợt 2 vào tháng 8 tháng 9. Lưu ý đợt 2 chỉ cắt tỉa cành nhỏ nằm trong tán, bị che bóng, cành sâu bệnh, cành vượt, tuyệt đối không tỉa cành có kích thước lớn, cây bị chảy nhựa, ảnh hưởng đến sự ra hoa đậu quả.
– Vệ sinh vườn: Làm sạch cỏ dại trong vườn và bụi rậm quanh vườn nhằm hạn chế nơi cư trú của bọ xít muỗi.
– Hun khói xua đuổi bọ xít vào sáng sớm hay chiều mát.
– Sau thu hoạch phải cắt bỏ và tiêu hủy cành vô hiệu, cành sâu bệnh.
– Kiểm tra thường xuyên để phát hiện sớm và xử lý kịp thời hạn chế lây lan ra diện rộng.
2. Biện pháp sinh học
Bảo vệ và duy trì các loại thiên địch của bọ xít muỗi như kiến đen, kiến vàng, bọ ngựa và nhện lớn bắt mồi. Trong đó, kiến vàng là thiên địch hữu hiệu nhất. Vì chúng ăn ấu trùng và bọ xít muỗi trưởng thành, có thể xua đuổi, ngăn cản bọ xít muỗi chích hút hoặc đẻ trứng nếu đạt mật số cao.
3. Biện pháp hóa học
– Khi phát hiện bọ xít muỗi gây hại thì phun thuốc vào lúc sáng sớm hay chiều tối bằng các loại thuốc: Tasieu 1.9EC, Reasgant 3.6EC, Crymerin 50EC, Bestox 5EC.
– Thông thường phải xử lý vào các đợt: Khi điều vửa chồi non, điều vừa nhú hoa, khi vừa tượng trái và khi trái non bằng đầu đũa ăn.