bệnh thán thư gây hại trên cây thanh long

Bệnh thán thư trên thanh long và biện pháp phòng trừ

Bệnh thán thư trên thanh long là một trong những bệnh hại thanh long phổ biến, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Bệnh tấn công lên cành nhánh, hoa và trái ở tất cả các giai đoạn phát triển của cây thanh long, làm tổn thất đến năng suất và chất lượng của mùa vụ. Mời bà con cùng Việt Thắng Hà Nội tìm hiểu sâu hơn về các phương án xử lý bệnh thán thư ở thanh long hiệu quả nhé!

Tìm hiểu bệnh thán thư trên cây thanh long

1. Tác nhân gây bệnh thán thư hại thanh long

Tác nhân chính gây nên bệnh là do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra.

2. Điều kiện phát sinh phát triển bệnh thán thư trên thanh long

– Bệnh thán thư phát sinh và phát triển trong điều kiện ẩm độ cao do mưa kéo dài hoặc sương mù nhiều.

– Vườn rậm rạp, úng nước dẫn đến ẩm độ cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh, phát triển và gây hại.

– Vườn ít chăm sóc, bón phân không cân đối,… cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát sinh và gây hại.

– Ngoài ra, mầm bệnh có thể lây lan trong không khí qua gió, trong nước và cả con người trong quá trình chăm sóc. Vì vậy, bà con cần rửa sạch các dụng cụ và đồ bảo hộ để tránh nầm bệnh tồn tại.

3. Triệu chứng thanh long bị bệnh thán thư gây hại

Bệnh gây hại chủ yếu trên đọt, hoa và trái, đôi khi trên cành cũng bị nấm tấn công.

– Trên cành vết bệnh bắt đầu từ mép cành lan dần vào bên trong. Vết bệnh hơi tròn hay bất định. Khi nấm tấn công vào cành làm cho cành thối mềm có màu vàng sáng, sau một thời gian ngắn chuyển sang màu nâu, vết  bệnh thối từ phần ngọn vào trong.

– Trên hoa, nấm tạo thành những đốm đen nhỏ làm hoa bị thâm đen và rụng.

– Trên trái, vết bệnh là những đốm tròn hoặc gần tròn, có tâm màu nâu đỏ, lõm xuống, xung quanh có những vòng đồng tâm nâu sậm, sau đó phát triển nhanh thành những mảng thối lõm vào vỏ.

– Bệnh còn tấn công trên trái sau khi đã thu hoạch làm thối trái.

Biện pháp phòng trừ bệnh thán thư trên thanh long

1. Biện pháp canh tác

– Dọn dẹp cỏ và các dây leo hoang dại chung quanh vườn thanh long, cắt bỏ và tiêu hủy các bộ phận bị bệnh;

– Tỉa các cành lòa xòa cho cây thông thoáng;

– Đối với thanh long trồng trụ sống, cần chặt tỉa cành lá trên trụ để hạn chế sự phát triển của nấm;

– Cắt bỏ phần nhụy đã héo rủ ở đỉnh trái. Không nên tưới nước lên tán cây khi cây đang bệnh;

– Bón nhiều phân hữu cơ đã ủ hoai mục, cung cấp thêm vôi trước và sau mùa mưa

2. Sử dụng thuốc trị bệnh thán thư trên thanh long

Sử dụng luân phiên các loại thuốc sau để phun ngừa bệnh thán thư trên thanh long: Mancozeb (Fovathan 80WP, Rorigold 720WP) Chlorothalonil (Daconil 75WP, Daconil 500SC), … Phun định kỳ 7-10 ngày/lần tùy theo áp lực của bệnh.