Bệnh héo xanh khoai tây do vi khuẩn gây hại làm cây héo đột ngột và chết, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất cây trồng. Hiện nay trên thị trường chưa có thuốc đặc trị. Bà con chỉ có thể phòng ngừa bằng biện pháp canh tác và sử dụng các loại thuốc hạn chế lây lan. Mời bà con cùng Việt Thắng Hà Nội tìm hiểu chi tiết về bệnh héo xanh vi khuẩn hại khoai tây qua bài viết sau.
Tìm hiểu bệnh héo xanh vi khuẩn hại khoai tây
1. Tác nhân gây bệnh héo xanh khoai tây
– Bệnh héo xanh vi khuẩn hại khoai tây do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây ra. Đây là loài vi khuẩn đất ký sinh thực vật thuộc họ Pseudomonasdaceae, bộ Pseudomonasdales. Vi khuẩn hình que, kích thước 0,5 – 1,5micoromet, vi khuẩn sống hảo khí có khả năng chuyển động nhờ lông roi ở đầu, mỗi vi khuẩn thường có 1-3 lông roi.
– Khi khoai tây bị nhiễm bệnh héo xanh sẽ làm cây héo đột ngột. Trên cây bị bệnh, lá vẫn còn xanh, có thể héo từng cành hoặc toàn cây.
– Bệnh thường gây hại nặng trên cây rau đã trưởng thành, đang ra củ mạnh.
2. Điều kiện phát sinh, phát triển bệnh héo xanh vi khuẩn hại khoai tây
– Vi khuẩn thích hợp trong điều kiện nhiệt độ 25-35oC, mưa to, mưa dài ngày, ẩm độ đất, ẩm độ không khí tăng cao.
– Vi khuẩn xâm nhập, lây lan từ cây bệnh hoặc ngoài môi trường vào cây khoẻ qua vết thương trong quá trình thao tác bổ củ giống, bấm ngọn, tỉa lá hoặc do mưa to làm dập lá.
– Nguồn bệnh cho năm sau là vi khuẩn trong đất, vi khuẩn có thể sống lâu trong đất tới 5-6 năm và trên tàn dư cây bệnh vụ trước, đặc biệt có nhiều trong phân chuồng tươi chưa ủ.
– Vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây bệnh cho cây bằng cách xâm nhiễm vào rễ, thân cuống lá qua các vết thương cơ giới do quá trình chăm sóc (nhổ cây khi trồng đại trà); quá trình vun xới làm tổn thương rễ hoặc do côn trùng, tuyến trùng gây hại tạo các vết thương hở.
– Ngoài ra vi khuẩn cũng có thể xâm nhiễm vào cây qua các lỗ hở tự nhiên, qua bì khổng trên củ khoai tây.
– Khi vi khuẩn xâm nhiễm vào rễ, chúng nhanh chóng lan tới các bó mạch dẫn xylem, sinh sản và phát triển trong đó. Tại đây vi khuẩn Pseudomonas solanacearum sản sinh ra các enzym pectinaza, cellulaza để phân hủy mô và sinh ra các độc tố ở dạng Exopolysaccarit (còn gọi là EPS) và Lipopolysaccarit (LPS). Các chất độc tố này vít tắc mạch dẫn (xylem) qua đó cản trở sự vận chuyển nước, dinh dưỡng trong cây dẫn tới hệ quả là cây bị héo nhanh chóng khi thân lá vẫn còn màu xanh.
– Trên đồng ruộng bệnh héo xanh vi khuẩn khoai tây truyền lan từ cây này sang cây khác nhờ tưới nước, mưa, gió hoặc qua các nông cụ chăm sóc cây (vun xới). Ngoài ra tuyến trùng nốt sưng Meloidogyne incognita có trong đất gây hại bộ rễ cũng làm cho bệnh phát triển và lây lan mạnh.
– Bệnh thường gây hại nặng trong vụ khoai sớm và khoai vụ xuân.
3. Triệu chứng khoai tây bị bệnh héo xanh vi khuẩn
– Trên cây khoai tây chúng ta có thể thấy triệu chứng của bệnh héo xanh xuất hiện từ giai đoạn cây con đến giai đoạn cây trưởng thành (giai đoạn trước hoặc sau ra hoa 5-7 ngày).
– Khi cây còn non, chúng ta thấy toàn bộ lá héo rũ nhanh chóng đột ngột, lá tái xanh và cây khô chết dần.
– Trên cây trưởng thành lúc đầu thấy 1-2 cành (nhánh) có lá bị héo rũ, sau một vài ngày toàn thân cây héo xanh.
– Lá cây bị bệnh có thể hồi phục một vài ngày vào buổi sớm và ban đêm khi sương xuống độ ẩm không khí cao.
– Đoạn thân, cành bị bệnh thường sùi nốt nhỏ xung quanh. Nếu cắt đôi thân, cành cây bị bệnh nhìn rõ thấy bó mạch hoá nâu chứa dịch nhờn màu trắng đục.
– Trên củ cũng có thể bị nhiễm bệnh héo xanh. Khi củ bị nhiễm bệnh, cắt ngang củ chúng ta cũng thấy các vòng mạch dẫn có màu nâu đen, có giọt dịch vi khuẩn màu trắng đục tiết ra ngay trên bề mặt lát cắt.
– Bệnh lây lan rất nhanh, làm chết 30-70% số cây trong ruộng.
Biện pháp phòng trừ bệnh héo xanh khoai tây
1. Phòng trừ bệnh héo xanh trên cây khoai tây bằng biện pháp canh tác
– Chọn giống khoai sạch bệnh, giống khoai tây kháng bệnh héo xanh để trồng.
– Tiêu hủy tàn dư bệnh cây từ vụ trước.
– Bón phân cân đối, đầy đủ, ưu tiên bón phân hữu cơ hoai mục nâng cao hàm lượng hữu cơ trong đất, tăng cường sức đề kháng cho cây.
– Vệ sinh dao bổ củ khoai tây giống bằng nước xà phòng đặc mỗi khi bổ củ đề phòng nguồn bệnh lây lan từ củ giống bị bệnh sang củ khác qua lưỡi dao.
– Luân canh đất trồng các cây cùng bị hại như cây họ cà (cà chua, khoai tây, cà pháo, cà bát…), họ đậu (lạc, đậu xanh…) với cây trồng khác tốt nhất là lúa.
2. Phòng trị bệnh héo xanh khoai tây bằng biện pháp hóa học
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh héo xanh vi khuẩn cho khoai tây. Khi bị bệnh, bà con nhổ bỏ cây bị bệnh đem chôn hoặc đốt, đồng thời phun một trong các loại thuốc trừ bệnh cây trồng sau để hạn chế lây lan: Kamsu 2SL, Kasagen 250WP, Kansui 21.2WP.