Bệnh lùn sọc đen là bệnh hại lúa thường xuất hiện và gây hại từ giai đoạn mạ và lúa mới cấy, kéo dài tới khi lúa làm đòng, trổ bông, gây ảnh hưởng lớn đến năng suất. Mời bà con cùng Việt Thắng Hà Nội tìm hiểu về tác nhân, triệu chứng và các biện pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa qua bài viết sau.
Tìm hiểu về bệnh lùn sọc đen hại lúa
1. Tác nhân gây bệnh lùn sọc đen trên lúa
Bệnh lùn sọc đen lúa do virus lùn sọc đen phương Nam thuộc nhóm Fijivirus-2, họ Reoviridae gây ra. Môi giới chính truyền virus là rầy lưng trắng, cả rầy non và rầy trưởng thành đều truyền bệnh.
2. Điều kiện phát sinh phát triển bệnh lùn sọc đen ở lúa
– Bệnh không truyền qua hạt giống, không truyền qua đất và tiếp xúc giữa cây bệnh với cây khỏe.
– Virus gây bệnh tồn tại trong cơ thể của rầy lưng trắng sống qua đông hoặc di chuyển rất xa theo gió và bão để gây bệnh cho lúa và một số loài cây khác ở các vùng khác hoặc vụ tiếp theo.
– Rầy lưng trắng sau khi đã nhiễm virus có thể truyền bệnh đến khi chết. Virus không truyền qua trứng rầy, do vậy rầy non nở ra từ các trứng này cũng không mang mầm bệnh.
– Ngoài cây lúa, bệnh lùn sọc đen phương Nam còn gây hại trên ngô, lúa mì, cỏ lồng vực, cỏ chát, cỏ đuôi phụng, vì các cây này cũng là ký chủ của rầy lưng trắng và cũng là nguồn chứa virus để rầy lưng trắng truyền sang cây lúa.
– Bệnh thường gây hại mạnh ở những nơi có nguồn bệnh virus từ những vụ trước, khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi cho rầy lưng trắng phát triển.
3. Triệu chứng cây lúa bị bệnh lùn sọc đen gây hại
– Khi nhiễm virus lùn sọc đen phương Nam, cây lúa thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường, lá lúa có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá, gân lá ở mặt sau bị sưng lên. Khi cây còn non gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng.
– Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có lóng, cây bị bệnh thường có đặc điểm:
+ Nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định.
+ Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen.
– Cây lúa nhiễm bệnh thường sinh trưởng kém, cây thấp lùn, có thể bị chết sớm, khi cây nhiễm bệnh nặng thường không trổ bông được hoặc trổ bông không thoát và hạt thường bị đen, không cho thu hoạch.
Các biện pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa
1. Biện pháp canh tác
– Vệ sinh đồng ruộng: Vào đầu vụ trước khi gieo sạ cần tiến hành vệ sinh đồng ruộng, bón vôi, cày vùi gốc rạ để diệt lúa chét, lúa tái sinh, dọn sạch cỏ bờ ruộng mương dẫn nước nhằm hạn chế nơi trú ẩn và cắt đứt nguồn thức ăn của rầy.
– Bố trí thời vụ: Căn cứ vào khung thời vụ chung của địa phương chỉ đạo gieo cấy tập trung, đồng loạt nhưng đảm bảo thời gian cách ly với vụ Xuân ít nhất 20 ngày.
– Bảo vệ mạ:
+ Không gieo mạ ven đường giao thông, nơi có nguồn sáng mạnh mẽ thu hút rầy lưng trắng đến truyền bệnh;
+ Che phủ lưới mắt dày để chống rầy lưng trắng xâm nhập lây truyền bệnh
+ Khi phát hiện bệnh lùn sọc đen trên ruộng mạ thì tiến hành tiêu hủy toàn bộ, gieo mạ khác thay thế.
– Hạn chế gieo cấy các giống nhiễm nặng rầy lưng trắng, đặc biệt ở những vùng đã từng bị bệnh và vùng có nguy cơ bị bệnh cao.
– Áp dụng biện pháp kỹ thuật “Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), 3 giảm 3 tăng” nhằm giúp cây lúa khỏe; không phun kích thích sinh trưởng khi lúa đã bị bệnh.
– Chăm sóc: Tập trung chăm sóc theo đúng quy trình thâm canh để cây lúa sinh trưởng phát triển khỏe, đặc biệt là giai đoạn từ khi gieo đến kết thúc đẻ nhánh nhằm tăng cường sức đề kháng cho lúa. Không bón quá thừa phân đạm.
– Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời và phát hiện cây bị bệnh, tiến hành nhổ, thu gom, tiêu hủy những cây bị bệnh để tránh lây lan ra diện rộng
– Phòng ngừa rầy lưng trắng môi giới truyền bệnh: Thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện rầy lưng trắng, kết hợp với phân tích mẫu rầy để xác định mức độ nguồn rầy mang vi rút nhằm có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.
2. Biện pháp hóa học
– Phun tiễn chân mạ trước khi cấy 2 – 3 ngày ở những vùng đã từng bị bệnh và vùng có nguy cơ bị bệnh cao bằng các thuốc đặc hiệu;
– Trừ bệnh khi lúa mới xuất hiện bệnh
+ Kiểm tra nếu xuất hiện rầy lưng trắng, tiến hành phun thuốc BVTV trừ rầy ngay ruộng đó và các ruộng xung quanh.
Nếu mật độ rầy thấp, sử dụng các loại thuốc có nhóm hoạt chất như: Acetamiprid, Imidacloprid, Buprofezin, Pymetrozine tương ứng với các loại thuốc thương phẩm Anvado 200SC, Anvado 100WP, Ba Đăng 500WP, Asmai 100WP, Chersieu 50WP, Cherray 700WP. XEM TẠI ĐÂY.
Nếu mật độ rầy cao, sử dụng các loại thuốc có nhóm hoạt chất như: Fenobucarb, Cypermethrin tương ứng các loại thuốc thương phẩm như Excel Basa 50EC, Wamtox 100EC. XEM TẠI ĐÂY.
– Tiêu hủy những diện tích lúa bị bệnh: Những ruộng lúa giai đoạn đứng cái có trên 30% số dảnh lúa bị bệnh thì tiến hành tiêu hủy cả ruộng bằng cách nhổ bỏ, cày vùi, tiêu hủy cây bị bệnh. Trước khi tiêu hủy nếu phát hiện rầy lưng trắng tiến hành xử lý ngay bằng các loại thuốc có nhóm hoạt chất như: Fenobucarb, Cypermethrin.
– Lưu ý:
+ Khi sử dụng thuốc phải đọc kỹ hướng dẫn trên bao gói, đồng thời tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng để phát huy tối đa hiệu lực của thuốc BVTV.
+ Bệnh không truyền qua trứng rầy, do đó rầy trưởng thành mang vi-rút chết là bệnh hết, rầy non nở ra cần có cây bệnh để chích thì sau đó mới truyền cho cây khác được.
+ Bệnh không truyền qua hạt giống, do đó, hạt lúa gieo xuống ruộng ban đầu là lúa sạch. Để bị bệnh thì cây lúa phải bị rầy mang vi-rút có khả năng truyền bệnh chích vào và truyền bệnh thì mới bị bệnh. (Trong quần thể, không phải 100% đều lấy được vi-rút mặc dù đều chích vào cây bệnh. Trong số rầy mang vi-rút thì không phải tất cả đều có thể truyền được bệnh).
- Hoạt chất Cypermethrin: Cơ chế tác động và ứng dụng
- Bệnh bạc lá hại lúa (cháy bìa lá lúa) và biện pháp phòng trừ
- Nhện gié hại lúa và cách phòng trừ nhện gié trên lúa
- TOP 3 thuốc đặc trị sâu tơ trên rau màu an toàn, hiệu quả của Việt Thắng
- Bệnh cháy lá chết ngọn trên cây sầu riêng và biện pháp phòng trừ