Nếu bất chợt quan sát thấy trên ruộng dứa một số cây bị đỏ ngọn, khô và chết dần, ở gốc, thân và các mắt ở quả có lớp bột trắng thì khả năng rất cao ruộng dứa đã bị rệp sáp trắng gây hại. Cụ thể, rệp sáp hại dứa có những đặc điểm gì, gây hại ra sao? Làm cách nào để phòng trừ, tiêu diệt chúng? Hãy cùng Việt Thắng Hà Nội đi tìm lời giải qua bài viết sau đây.
Tìm hiểu về loài rệp sáp trắng hại dứa
1. Rệp sáp trắng là gì?
– Rệp sáp trắng hay còn được gọi là rệp sáp phấn, có tên khoa học là Dysmicoccus brevipes. Chúng là côn trùng chích hút nhựa cây làm lá, quả non, thân, gốc và rễ bị sưng lên, cây sinh trưởng kém, còi cọc, lá vàng và khô, quả bị te lại không lớn được, chất lượng kém.
–Ngoài việc gây hại trực tiếp là chích hút nhựa cây rệp sáp còn là môi giới lây truyền bệnh virus gây ra bệnh héo đỏ lá dứa hay còn gọi là bệnh Wilt, một bệnh rất quan trọng ở các vùng chuyên canh dứa.
2. Đặc điểm sinh thái của rệp sáp trắng hại dứa
2.1. Vòng đời & hình thái của rệp sáp gây hại ở dứa
– Rệp sáp gây hại trên dứa có 3 tuổi, vòng đời biến động trong khoảng 42 – 63 ngày, phụ thuộc vào nhiệt độ và ẩm độ môi trường. Mỗi năm, rệp có khoảng 5 – 6 lứa.
+ Trứng hình bầu dục nhỏ màu trắng trong, trứng được đẻ thành bọc, trong bọc các trứng xếp chồng lên nhau, phía ngoài bọc có lớp sáp bông trắng bao phủ. Rệp sáp hại dứa thường đẻ trứng ở phía chân các lá gìa, cổ rễ sát thân cây.
+ Rệp non lúc mới nở có màu xám, nhỏ bằng con mạt, sau lần lột xác thứ nhất chuyển sang màu hồng nhạt, chưa có sáp trắng bao phủ, hoạt động nhanh nhẹn. Sau nở khoảng 7 – 10 ngày gần đuôi hình thành hai tua sáp dài, sau đó các tua khác dần dần hình thành. Trên cơ thể bắt đầu có sáp trắng bao phủ. Từ đó chúng di chuyển chậm chạp và tìm các nơi kín đáo để sinh sống, thường là ở gốc cây, cuống quả gần mặt đất, đôi khi có ở nõn và lá (rệp màu hồng), trên quả (rệp màu xám).
+ Rệp trưởng thành cơ thể hình bầu dục, trên toàn thân phủ lớp bột sáp trắng, thân hình mui rùa, trên lưng có nhiều vạch ngang chia cơ thể thành nhiều đốt. Xung quanh rìa cơ thể có 18 đôi tua sáp màu trắng, 16 đôi trước có chiều dài tương tự nhau, đôi thứ 17 dài nhất, dài gần bằng 1/2 chiều dài cơ thể rệp, đôi thứ 18 mọc ở sát phần đuôi nhỏ và ngắn nhất. Kích thước cơ thể nhỏ dài khoảng 2 – 4 mm, bề ngang khoảng 1,5 – 3 mm.
– Rệp sáp có thể sinh sản theo kiểu đơn tính và lưỡng tính. Con đực có thêm giai đoạn tiền nhộng và nhộng.
– Rệp cái đẻ trứng thành từng ổ, một con cái đẻ khoảng 300 – 400 trứng, tỷ lệ nở của trứng khá cao khoảng 80% trở lên. Rệp sáp đẻ trứng sớm, sau khi nở khoảng 20 – 25 ngày (tuổi 3) là rệp sáp bắt đầu đẻ trứng, từ khi bắt đầu đẻ đến lúc ngừng đẻ và chết là khoảng 20 – 30 ngày.
2.2. Điều kiện phát sinh phát triển của rệp sáp trắng ở dứa
– Rệp phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng và ẩm, thiệt hại phổ biến trong mùa khô do rệp tập trung phá hại ở phía gốc cây và cuống quả, cây bị thiếu nước.
– Trên vườn dứa rệp sáp luôn sống cộng sinh với kiến thuộc các loài Pheidole, Solenopsis và Camponotus; kiến sống bằng chất mật do rệp tiết ra, chăm sóc và vận chuyển rệp đi khắp nơi.
3. Triệu chứng cây dứa bị rệp sáp trắng gây hại
– Rệp sáp sống tập trung ở rễ, gốc, chân lá và quả dùng vòi chích hút chọc thủng lớp biểu bì lá, vỏ rễ, quả…để hút các chất dinh dưỡng trong dịch cây.
– Các vết châm của rệp làm cho mô cây bị thâm nâu, hạn chế quá trình vận chuyển chất trong cây.
– Các cây dứa bị rệp gây hại sinh trưởng phát triển yếu, cây còi cọc, lá chuyển màu xanh vàng có ánh đỏ, có thể bị héo.
– Quả bị rệp hại có nhiều vết bẩn trên quả, chất lượng suy giảm nhiều.
– Rệp sáp hại dứa được xác định là môi giới truyền vi rút gây bệnh héo đỏ lá dứa (bệnh wilt) là bệnh vi rút. Kết quả thí nghiệm lây truyền bệnh trên giống dứa Cayene bằng rệp môi giới cho thấy với ngưỡng mật độ 10 rệp nhiễm bệnh trên một cây sẽ làm cho cây dứa bị nhiễm bệnh. Thời gian ủ bệnh (từ khi thả rệp đến lúc cây bắt đầu có biểu hiện triệu chứng bệnh) là 3,5 – 4 tháng.
Biện pháp phòng trừ rệp sáp trắng trên dứa
1. Biện pháp canh tác phòng rệp sáp trắng ở dứa
– Làm đất kỹ, diệt sạch cỏ dại.
– Thu dọn hết tàn dư cây dứa cũ và cỏ dại trên đồng ruộng đem tiêu hủy.
– Tạo vành đai chống kiến xâm nhập từ ngoài vào ruộng dứa.
– Trồng dứa với mật độ vừa phải, không trồng quá dày, làm cỏ, tỉa nhánh chồi cho vườn dứa sạch cỏ dại, thông thoáng.
– Nếu có điều kiện thuận lợi nên luân canh với cây trồng khác sau mỗi chu kỳ kết thúc trồng dứa.
2. Biện pháp sinh học phòng trừ rệp sáp hại dứa
– Sử dụng các loài thiên địch: bọ rùa đỏ (Rolodia sp.), bọ rùa nhỏ (Scymnus sp.), bọ mắt vàng (Chrysopa sp.), nhện bắt mồi và ăn thịt côn trùng…
3. Biện pháp hóa học phòng trị rệp sáp trắng hại dứa
– Phun thuốc trừ nấm, kiến, mối.
– Khi rệp sáp hại dứa đạt tới mật độ 7 – 10 con/cây cần phải tiến hành biện pháp diệt trừ bằng phun thuốc trị rệp sáp như Ba Đăng 500WP, Chersieu 50WG, Cherray 700WG, Fortox 50EC.