Rệp sáp là đối tượng gây hại thường xuyên trên cây xoài, gây thất thu lớn nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Bài viết sau đây Việt Thắng Hà Nội xin thông tin đến bà con các đặc điểm của loài rệp sáp hại xoài và các biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Tìm hiểu về rệp sáp hại xoài
1. Rệp sáp hại xoài là gì?
Rệp sáp hại xoài bao gồm 2 loài Pseudoccoccus sp và Planococcus sp. Cả rệp sáp trưởng thành và ấu trùng rệp sáp đều chích hút nhựa trên hoa và quả xoài. Ngoài gây hại trực tiếp bằng cách chích hút nhựa, rệp sáp còn tiết mật ngọt làm bồ hóng phát triển nơi rệp sáp sinh sống. Quả bị nhiễm nặng có thể ngừng phát triển, chay sượng và rụng.
1.1. Đặc điểm hình thái của rệp sáp hại xoài Pseudoccoccus sp
– Rệp sáp mới nở có dạng hình nhỏ và bò rất linh động. Nếu không qua giai đoạn nhộng thì sau đó sẽ trở thành trưởng thành cái. Nếu ấu trùng trải qua giai đoạn nhộng thì sẽ trở thành trưởng thành đực.
– Trưởng thành đực có dạng hình nhỏ và có cánh. Rệp sáp cái di chuyển chậm chạp, có các “gai” xung quanh mình và bao bọc bởi chất sáp. Rệp sáp đực có 3 lớp da bao bọc, trong khi con cái có đến 4 lớp da.
– Con cái đẻ trứng trong một bọc “cotton” bao quanh, số trứng có thể lên đến 500 trứng và trứng sẽ nở sau đó từ 1-2 tuần. Vòng đời của loài rệp này khoảng 2 tháng và hàng năm có từ 3-4 thế hệ.
1.2 Đặc điểm hình thái của rệp sáp hại xoài Planococcus sp
– Có hình oval. Con cái trưởng thành dài khoảng 2,5-4mm, chiều ngang khoảng 0,7-3mm.
– Cơ thể phủ sáp màu trắng như bông nên có người gọi là rầy bông hay rệp bông, phía lưng hơi phồng lên, bụng phẳng. Nếu gạt lớp bột sáp ra cơ thể có màu vàng nhạt. Cơ thể tuy được phủ nhiều bột sáp trắng, song vẫn để lại các ngấn đốt cơ thể rất rõ ràng, đặc biệt giữa lưng có vệt rộng, dọc cơ thể không phủ sáp hoặc phủ sáp rất ít, đủ để thấy màu vàng nhạt của cơ thể.
– Rìa cơ thể có 17 cặp tua sáp trắng. Quan sát dưới kính soi nổi thì xung quanh cơ thể có 18 cặp cerarii. Mỗi cặp cerarii là vị trí tạo ra tua sáp xung quanh cơ thể, riêng cặp cerarii thứ 18 không tạo tua sáp như những tua sáp khác mà chỉ là mẫu sáp nhỏ bị che khuất dưới cặp tua 17.
– Thành trùng trưởng thành đẻ trứng trong đệm sáp dưới bụng. Trứng hình bầu dục, màu vàng nhạt.
– Ấu trùng mới nở màu vàng nhạt, rất linh hoạt và bò nhanh. Ấu trùng tuổi 1 chân dài, di chuyển nhanh, cơ thể chưa phủ bột sáp trắng. Ấu trùng tuổi 2, chân gần như ngắn hơn, di chuyển chậm lại, trên lưng xuất hiện bột sáp trắng. Ấu trùng tuổi 3 chân càng ngắn hơn, di chuyển ít hơn, trên lưng phủ nhiều bột sáp trắng, xung quanh cơ thể xuất hiện 17 cặp tua sáp nhưng cơ thể chưa vồng lên. Sang giai đoạn thành trùng, cặp tua xung quanh cơ thể rõ ràng và lưng bắt đầu vồng lên.
– Rệp sáp giả cái có khả năng đẻ trứng và cũng có thể đẻ trực tiếp ra con. Tỷ lệ rệp sáp giả cái đẻ trực tiếp ra con chiếm 58%. Một con rệp cái có thể đẻ 82 – 105 con.
2. Đặc điểm phát sinh phát triển của rệp sáp hại xoài
– Rệp sáp là một loại côn trùng đa thực, ngoài cây xoài chúng còn gây hại trên rất nhiều loại cây ăn trái khác như ổi, mãng cầu, cam, quýt, chanh, bưởi,… nên rệp dễ phát triển do nguồn thức ăn của chúng rất phong phú.
– Rệp sáp thường phát triển và gây hại trong điều kiện thời tiết nóng và ẩm, vào thời điểm cuối mùa mưa chuyển sang mùa khô, đặc biệt là vào mùa khô hanh cây bị thiếu nước, rệp tập trung gây hại ở phía gốc cây và cuống trái.
– Khi rệp sáp sinh sản và có mật số nhiều thì chúng có tập tính xếp chồng nhiều lớp lên nhau. Rệp sáp ít di chuyển, phần lớn nhờ vào một số loài kiến (kiến hôi, kiến cao cẳng,…) tha đi, từ đó làm lây lan sang ra nhiều nơi khác.
3. Triệu chứng gây hại của rệp sáp trên cây xoài
– Rệp sáp gây hại bằng cách chích hút nhựa các bộ phận non của cây như lá non, đọt non, bông, cuống trái non và ngay cả trên những trái già, làm cho cây bị suy yếu, đọt non bị thui chột, bông có thể bị rụng hoặc không phát triển được.
– Rệp chích hút nhựa trái, làm trái nhỏ, biến dạng và giảm giá trị thương phẩm của trái. Ngoài gây hại trực tiếp trong chất thải của rệp tạo điều kiện nấm bồ hóng phát triển làm cho trái chậm lớn, ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của cây.
Biện pháp phòng trừ rệp sáp trên cây xoài
1. Biện pháp canh tác
– Không nên trồng cây với mật độ quá nhiều.
– Cắt tỉa tiêu hủy cành lá bị hại và tạo điều kiện thông thoáng cho vườn.
– Dọn sạch cỏ rác, lá cây mục tủ ở xung quanh để phá vỡ nơi trú ngụ của kiến hôi. Nếu trên thân cây có nhiều kiến hôi thì mỗi lần xịt thuốc trừ rệp thì nên xịt cả thân cành để trừ kiến hôi.
– Nếu có điều kiện dùng vòi máy bơm nước có áp suất mạnh tia xịt nước trực tiếp vào chỗ có nhiều rệp bu bám sẽ làm cho rệp bị rửa trôi bớt.
2. Biện pháp sinh học
Bảo vệ các loài thiên địch của rệp sáp như bọ rùa và ong ký sinh.
3. Biện pháp hóa học
– Thường xuyên kiểm tra vườn xoài(và cả những cây trồng xen với xoài) để phát hiện và phun thuốc diệt trừ rệp sáp kịp thời (nhất là vào những đợt cây ra đọt non, lá non, ra bông, ra trái non)
– Không nên để rệp phát triển lây lan ra khắp cây mới phun xịt thì không những cây đã bị ảnh hưởng nặng, tốn kém tiền của, công sức mà hiệu qủa diệt rệp cũng sẽ không cao.
– Về thuốc có thể sử dụng bằng một trong các lọai thuốc như Asmai 100WP, Tasieu 1.9EC, Mã lục 250WP…
– Để tiết kiệm thuốc, công phun xịt và giảm bớt ô nhiễm môi trường chỉ nên phun xịt trực tiếp thuốc vào những chỗ có rệp bu bám (các bộ phận non, bông, trái). Khi xoài đã có trái già trở đi nếu có xịt thuốc thì phải chú ý bảo đảm đúng thời gian cách ly của thuốc.
- Việt Thắng Bắc Giang tổ chức du lịch tri ân khách hàng 2022
- Bệnh thán thư gây hại trên cây xoài và các biện pháp phòng trừ
- Các ký hiệu EC, SC, SL, WP, WG trong thuốc bảo vệ thực vật là gì?
- Các loại cỏ dại thường gặp trên ruộng lúa và biện pháp quản lý
- Bệnh loét sọc mặt cạo cao su và biện pháp phòng trừ