Các loại cỏ dại thường gặp trên ruộng lúa và biện pháp quản lý

Đối với các cây trồng nói chung và đặc biệt là cây lúa nói riêng thì cỏ dại là tác nhân gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển và cần được diệt sạch. Ngày hôm nay Việt Thắng Hà Nội sẽ tổng hợp các loại cỏ dại thường gặp trên ruộng lúa và biện pháp quản lý cỏ dại hiệu quả để chia sẻ đến bà con nông dân.

Cỏ dại trên ruộng lúa gây ra những tác hại gì?

1. Cỏ dại trên ruộng lúa gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây trồng

Với bộ rễ phát triển mạnh, các loại cỏ dại trên ruộng lúa sẽ hút các chất dinh dưỡng của lúa và sinh trưởng rất nhanh. Bên cạnh đó, phần lớn bộ rễ của cỏ dại được phân bố ở lớp đất mặt, tạo ra sự cạnh tranh lớn với cây lúa về dinh dưỡng, ánh sáng, làm cho lúa không đủ điều kiện sinh trưởng. Từ đó dẫn đến thiếu dinh dưỡng, còi cọc, kém phát triển và hậu quả là sản lượng thu hoạch thấp.

2. Cỏ trên ruộng lúa là nơi ký chủ của sâu bệnh

Các loại cỏ dại trên ruộng lúa là nơi ký chủ của các loại sâu bệnh hại lúa như sâu cuốn lá, bọ trĩ (thường ký sinh ở cỏ môi), bệnh khô vằn, đạo ôn, bạc lá… Những loài sâu bệnh này sẽ ký sinh trên các cây cỏ dại, đến thời điểm thuận lợi sẽ phát sinh và lây lan khắp ruộng lúa.

3. Các loại cỏ dại trên ruộng lúa gây tốn kém chi phí

Cỏ dại trên ruộng lúa phát triển rất nhanh, khả năng sinh tồn cao nên rất tốn thời gian, chi phí mua thuốc diệt cỏ, thuê nhân công… để diệt trừ.

Tên các loại cỏ dại thường gặp trên ruộng lúa

Các loại cỏ dại thường gặp trên ruộng lúa được chia thành 3 nhóm gồm nhóm cỏ chác lác, nhóm cỏ hòa bản và nhóm cỏ lá rộng. Đặc điểm của từng nhóm cỏ như sau:

1. Các loại cỏ dại thuộc nhóm cỏ chác lác trên ruộng lúa

Nhóm cỏ chác lác bao gồm các loại cỏ có thân thẳng, đặc ruột, có góc cạnh tam giác, lá thường hẹp và đính trên thân theo ba hàng kiểu xoắn ốc.

Các loại cỏ dại thường gặp trên ruộng lúa thuộc nhóm cỏ chác lác bao gồm: Cỏ chác, cỏ cháo, cỏ u du thưa, cỏ lác rận, cỏ lác đẹp, cỏ năng ngọt, cỏ lác hến, cỏ lác voi, cỏ đắng tán.

2. Các loại cỏ dại thường gặp trên ruộng lúa thuộc nhóm cỏ hòa bản

Nhóm cỏ hòa bản bao gồm các loại cỏ có bản lá hẹp, gân phụ song song với gân chính dài từ đầu lá tới cổ lá. Thân thường tròn và bọng ruột, lá mọc cách, đính trên thân theo hai hàng. Rễ cỏ thường là dạng chùm, ăn nông. Nhóm cỏ hòa bản là loại cỏ dại khó trị do hạt cỏ dễ phát tán trong gió.

Tên các loại cỏ dại trên ruộng lúa thuộc nhóm cỏ hòa bản gồm: Cỏ lồng vực nước, cỏ đuôi phụng, cỏ lông, cỏ mồm, cỏ chỉ nước, cỏ túc.

3. Các loại cỏ dại trên ruộng lúa thuộc nhóm cỏ lá rộng

Đặc điểm của nhóm cỏ lá rộng là các loại cỏ có thân hình trụ và phân thành nhiều nhánh. Lá rộng nằm ngang, đối xứng nhau, gân lá có hình rẻ quạt. Hoa có thể là hoa đơn hoặc hoa chùm.

Tên các loại cỏ dại thường gặp trên ruộng lúa thuộc nhóm cỏ lá rộng: Cỏ xà bông, rau mương, rau mác bao, rau mác thon, cỏ trai, rau dừa nước, lục bình…

Tham khảo TOP 5 loại thuốc trừ cỏ lúa tiền nảy mầm của Việt Thắng TẠI ĐÂY.

Biện pháp quản lý các loại cỏ dại trên ruộng lúa

1. Các biện pháp quản lý cỏ dại trước khi gieo sạ

Đây được xem như là biện pháp phòng và ngăn ngừa cỏ dại. Các bước xử lý bao gồm:

– Thu gom tàn dư còn sót lại của vụ mùa trước (rơm, rạ, các loại cỏ dại trên ruộng lúa) và đem tiêu hủy để hạn chế sự sinh trưởng.

– Cày bừa đất ruộng trước khi gieo sạ để vùi lấp tàn dư cỏ dại, lúa lép, hạn chế các mầm bệnh, tuyến trùng gây hại.

– Xử lý và ngâm ủ giống lúa để loại bỏ hạt lép, hạt cỏ dại.

– Lựa chọn phương pháp gieo trồng: Lúa cấy ít cỏ dại hơn lúa sạ thẳng, vì lúa cấy thì cây lúa mọc trước nên lấn át được cỏ.

– Quản lý nước trên ruộng lúa. Rất ít cỏ có thể nảy mầm được khi mực nước trong ruộng cao hơn 10cm. Để tăng khả năng thành công trong việc kiểm soát cỏ dại suốt vụ, cần đảm bảo có đủ nước trong ruộng ít nhất là 30 ngày đầu sau khi gieo trồng.

2. Sử dụng thuốc diệt cỏ dại cho ruộng lúa

biện pháp quản lý cỏ dại trên ruộng lúa

Trong nhiều trường hợp, việc sử dụng thuốc hóa học để diệt trừ các loại cỏ dại thường gặp trên ruộng lúa là biện pháp hữu hiệu, tiết kiệm thời gian, công sức, diệt cỏ trên diện rộng ở nhiều thời điểm khác nhau.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc diệt cỏ trên ruộng lúa:

– Thuốc diệt cỏ dại cho lúa cần được sử dụng đúng loại: Sử dụng loại thuốc diệt cỏ đúng với loại cỏ cần loại bỏ trên ruộng lúa để gia tăng hiệu quả và hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa. Không nên dùng các loại thuốc diệt cỏ có chất hóa học mạnh dùng để khai hoang đất.

– Thuốc diệt cỏ trên ruộng lúa cần được sử dụng đúng liều lượng: Phun thuốc diệt cỏ trên ruộng lúa quá liều lượng không chỉ gây ra tác động xấu đến môi trường mà còn khiến cây lúa dễ bị mắc các bệnh như vàng lá, xoắn lá. Ngược lại, nếu liều lượng quá ít sẽ không thể diệt sạch được cỏ.

– Thuốc diệt các loại cỏ dại thường gặp trên ruộng lúa cần được sử dụng đúng thời điểm: Nên phun thuốc diệt cỏ dại trên ruộng lúa vào thời điểm cỏ bắt đầu sinh trưởng. Thời gian phun tốt nhất là sáng sớm hoặc chiều mát. Tránh phun vào thời điểm nắng gắt hoặc sắp có mưa sẽ làm thuốc bị bay hơi, rửa trôi và giảm tác dụng.

– Thuốc diệt cỏ nên được sử dụng kết hợp với các phương pháp thủ công khác như nhổ cỏ bằng tay hoặc dùng các công cụ cơ giới để trừ cỏ. Bởi trong trường hợp trồng lúa trên cạn, hoặc lúa sạ khô, thuốc trừ cỏ sẽ không tồn lưu được lâu. Nếu không kết hợp với các phương pháp thủ công thì cỏ sẽ có thể mọc trở lại và gây giảm năng suất lúa.

Bà con có thể tham khảo các loại thuốc diệt cỏ cho lúa và cây trồng do Công ty TNHH Việt Thắng sản xuất TẠI ĐÂY.

Trên đây là tổng hợp các loại cỏ dại thường gặp trên ruộng lúa và biện pháp quản lý cỏ dại trên ruộng lúa hiệu quả. Thông qua bài viết, hi vọng bà con đã có được những thông tin hữu ích phục vụ cho quá trình gieo trồng, sản xuất được thuận lợi, đạt năng suất cao.