“Không nên có cái nhìn cực đoan về thuốc bảo vệ thực vật”

Thách thức từ dịch bệnh, thời tiết

Từ đầu năm đến nay, nông dân nhiều vùng miền lao đao khi lâm vào cảnh mùa màng thất bát vì cây trồng nhiễm bệnh, mưa lớn, giông, lốc.

Vào giữa tháng 7, hàng nghìn hecta hồ tiêu tại huyện Đắk Song – thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Đắk Nông bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt. Tình trạng này kéo dài đến nay chưa có khởi sắc. Tương tự, hầu hết các nông hộ xã Nghĩa Phú – địa phương có 30 hecta diện tích trồng bơ, đều thất bát. So với vụ bơ năm 2017, ước tính năm nay sản lượng và năng suất bơ của bà con giảm khoảng 80%. 

Giữa lúc tình hình thời tiết, dịch bệnh thường xuyên hoành hành mùa màng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản xuất nông nghiệp, các chuyên gia khuyến nghị cần có giải pháp sử dụng các chế phẩm bảo vệ thực vật đúng liều, đúng lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp.

Vai trò của thuốc bảo vệ thực vật

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Kim Vân, chuyên gia tại Hội Bảo vệ thực vật Việt Nam nhận định, hiện nhiều quan điểm cho rằng cần bài trừ hoàn toàn thuốc bảo vệ thực vật do gây hại đến sức khoẻ người sử dụng và người tiêu dùng. Tuy nhiên theo chuyên gia này, vấn đề không phải do việc sử dụng mà là do cách thức sử dụng như thế nào cho phù hợp và an toàn.

“Sử dụng quá mức cho phép sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng, người tiêu dùng nông sản và môi trường. Vấn đề quan trọng nhất hiện tại là sử dụng đúng, đủ chứ không phải bài trừ”, ông Vân khẳng định.

Thực tế thời gian qua có nhiều vụ việc về sức khoẻ, môi trường có nguồn gốc từ thuốc bảo vệ thực vật. Nguyên nhân được cho là do hành vi lạm dụng, sử dụng thuốc sai cách, sai thuốc, sai liều lượng. Chưa kể tình trạng tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng… dẫn đến tai hại đối với cả nông dân, mùa màng, môi trường và người sử dụng.

Thuốc bảo vệ thực vật có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an linh lương thực, năng suất cây trồng

Tuy nhiên, nếu bài trừ hoàn toàn thuốc bảo vệ thực vật, nền nông nghiệp Việt Nam đối diện nguy cơ mất an ninh lương thực. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), khoảng 50% sản lượng lương thực thế giới sẽ mất đi do sâu bệnh và cỏ dại nếu không có giải pháp bảo vệ. Riêng các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật góp phần ngăn chặn gần 40% sản lượng lúa và ngô toàn cầu bị thất thoát mỗi năm.

Bên cạnh đó, sự thiếu vắng của các biện pháp bảo vệ mùa màng sẽ khiến cây trồng phải cạnh tranh với khoảng 30.000 cỏ dại, đối chọi với hơn 10.000 loài côn trùng, cũng như một loạt mầm mống bệnh do nấm, vi khuẩn và virus gây ra.

Yếu tố mang tính quyết định mặt lợi và hại của thuốc bảo vệ thực phẩm phụ thuộc lớn vào chiến lược sử dụng, phát triển và quản lý thuốc từ phía nhà sản xuất, kinh doanh, bà con nông dân và cơ quan chức năng.

Khuyến nghị sử dụng thuốc đúng cách

Theo hướng dẫn của ông Bùi Văn Kịp – Giám đốc Kỹ thuật và Đăng ký sản phẩm Bayer Việt Nam, nhà nông cần nắm rõ nguyên tắc “bốn đúng”: đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách.

Ngoài ra, cần tuân thủ khoảng cách giữa các lần sử dụng theo khuyến cáo và đảm bảo thời gian cách ly an toàn. Đây là một trong những mấu chốt quan trọng nhất giúp người nông dân giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản, từ đó giúp người tiêu thụ an tâm sử dụng.

Việc sản xuất nông sản theo chuẩn VietGap, GlobalGap hay BayGab cũng giúp nhà nông có cơ sở tuân thủ đúng các yêu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Mặt khác, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy tối ưu hiệu quả của thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời giảm thiểu nguy cơ đối với cây trồng và sức khỏe cộng đồng. 

Ông Nguyễn Kim Vân cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc cần có trách nhiệm với cộng đồng, đặt quyền lợi của ngành nông nghiệp lên vị trí ưu tiên, tạo điều kiện cho bà con nông dân hiểu đúng, hiểu đủ về các loại chế phẩm.Từng chi tiết nhỏ như xử lý bao bì thuốc, kết hợp cơ quan chuyên môn để nâng cao trình độ bà con thông qua tập huấn, nâng cao hiểu biết của nông dân, giúp việc sử dụng thuốc có hiệu quả… cần được lưu ý kỹ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất cần đề cao việc trang bị kiến thức sử dụng các giải pháp an toàn cho nhà nông, giúp nhà nông nhận biết hàng thật, hàng giả và có trách nhiệm với chính sản phẩm.

Về phía các cơ quan quản lý, cần tham vấn rộng rãi ý kiến với các bên liên quan trong và ngoài nước, đánh giá dựa trên cơ sở khoa học với những quy chuẩn và phương pháp được quốc tế công nhận, trong quá trình rà soát các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật. 

Người nông dân cần được cung cấp kiến thức đầy đủ về thuốc bảo vệ thực vật.

Mặt khác, các nhà nông học cho rằng, các cơ quan chức năng cần hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc đúng cách thay vì cố gắng loại bỏ một vật tư cần thiết như thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp. Việc đột ngột cắt giảm các chế phẩm được phép sử dụng có khả năng ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp Việt Nam.

Các chuyên gia khẳng định: “Quan trọng nhất là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng hướng dẫn trên nhãn chứ không phải việc thu gọn bớt các loại thuốc cho dễ quản lý mà đạt được hiệu quả ngay”. Bởi các sản phẩm bảo vệ thực vật vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ mùa màng, đảm bảo năng suất cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Do đó, việc giảm số lượng thuốc bảo vệ thực vật đang được phép lưu hành trên thị trường hiện nay cần thực hiện một cách cẩn trọng, có lộ trình.