Tây Nguyên là một trong những vùng trồng trọng điểm sầu riêng. Theo Bộ NN-PTNT hiện nay diện tích sầu riêng vùng Tây nguyên chiếm 52.000ha, vượt qua vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và đứng đầu trong các vùng trồng sầu riêng cả nước.
Thời điểm hiện nay thì phần lớn vườn sầu riêng ở Tây Nguyên đã thu hoạch xong, một số vùng thu hoạch muộn đang tiến hành thu hoạch nốt đợt cuối cùng. Vụ năm 2023 này, giá bán sầu riêng ở mức rất cao, bà con nông dân rất phấn khởi và càng quan tâm nhiều hơn đến các biện pháp chăm sóc, phục hồi cho cây sầu riêng sau thu hoạch, để cây đủ sức khỏe cho năng suất cao trong niên vụ tiếp theo.
Ngoài các công việc cắt tỉa cành, vệ sinh vườn cây, phun thuốc phòng trừ một số các loại nấm bệnh, tảo, rong rêu… trên vườn sau thu hoạch thì cần chú ý đến việc cung cấp dinh dưỡng kịp thời để phục hồi vườn cây.
Giải pháp bón phân phục hồi vườn sầu riêng ở Tây Nguyên
Việc cung cấp dinh dưỡng cho vườn cây bao gồm bón phân vào đất và phun qua lá, giúp cây phục hồi lại sức khỏe sau thời gian dài nuôi quả. Cung cấp dinh dưỡng kịp thời giúp cây sầu riêng có thể phát triển tối đa hệ thống cành lá mới sau thu hoạch, nhanh chóng ra được hai cơi đọt hoàn chỉnh, sung sức trước khi cắt nước vào khoảng cuối tháng 12 dương lịch để bước vào thời kỳ ra hoa đậu quả năm sau. Bộ lá của các cơi đọt mới ra sau thu hoạch là bộ phận chủ yếu quyết định năng suất sầu riêng trong vụ tới.
1. Bón phân hữu cơ cho sầu riêng
Có thể bón từ lúc gần thu hoach xong cho đến sau khi thu hoạch, cắt cành xong. Nếu bón phân chuồng ủ thì bón với khối lượng lớn từ 30-40 kg/cây sầu riêng trưởng thành. Nếu bón các loại phân hữu cơ chế biến thì bón từ 8-10kg/cây, ưu tiên cho các phân hữu cơ vi sinh có phối trộn các dòng vi sinh vật đối kháng nấm bệnh cây.
Cũng có thể dùng các loại phân hữu cơ đậm đặc có hàm lượng hữu cơ cao >50% với lượng từ 5 – 7 kg/cây. Các chất cải tạo đất như acid humic cũng có thể được bón cho cây trong thời gian này để kích thích sự phát triển rễ cây.
2. Sử dụng phân bón khoáng phục hồi vườn sầu riêng
Sau thu hoạch cây cần nhiều đạm, lân để phát triển rễ mới và các cơi lá mới. Các loại phân NPK phù hợp trong thời gian sau thu hoạch cần có tỷ lệ đạm và lân cao hơn kali.
Phân bón khoáng được bón sau khi bón phân hữu cơ chừng 10-15 ngày. Với sầu riêng trưởng thành, lượng phân NPK được bón sau thu hoạch từ 3-4 kg/cây, chia thành 2 đợt bón cách nhau từ 25-30 ngày.
Ở Tây Nguyên, sau khi thu hoạch sầu riêng, có vùng đã bắt đầu ít mưa hoặc mưa không còn đều nữa, do vậy trong thời gian phục hồi vườn sầu riêng cần chú ý tưới giữ ẩm đều cho cây khi xảy ra khô hạn để cây có thể hút dinh dưỡng tốt, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón của các đợt bón sau thu hoạch vào. Tưới giữ ẩm trong thời gian này còn có ý nghĩa trong việc điều khiển tốt chu kỳ sinh trưởng và sự ra hoa đậu quả của cây sầu riêng về sau.
3. Bón phân bón lá thúc sầu riêng nhanh ra đọt
Thời kỳ này cũng nên phun phân bón lá lên tán cây để thúc đẩy nhanh sự ra cơi đọt, giúp lá phát triển đạt được diện tích lá tối đa, các cơi lá mới khỏe mạnh, sung sức trước khi cắt nước để phân hóa mầm hoa vào khoảng cuối tháng 12 dương lịch. Các loại phân bón lá có hàm lượng đạm cao, hoặc các loại phân bón lá hữu cơ có hàm lượng acid amin cao đều phù hợp trong thời kỳ này.
4. Lưu ý phun thuốc bảo vệ thực vật đúng lúc
Việc phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ các loại côn trùng như rầy nhảy, rầy xanh, bọ trĩ gây hại lá và đọt non cho sầu riêng cũng cần đúng lúc, kịp thời để bảo vệ các cơi đọt mới này.
Tham khảo các loại thuốc đặc trị rầy cho sầu riêng của Việt Thắng: https://vietthanghanoi.vn/danh-muc-san-pham/thuoc-tru-ray/