các loại sâu bệnh hại lúa - rầy nâu hại lúa

Các loại sâu bệnh hại lúa thường gặp và biện pháp phòng trừ

Nhận biết các loại sâu bệnh hại lúa, phát hiện và phòng trừ kịp thời sẽ đảm bảo cho lúa phát triển tốt, hạn chế hư hại và ảnh hưởng năng suất cây trồng. Bài viết sau đây, mời bà con nông dân cùng Việt Thắng Hà Nội tìm hiểu các loại sâu, bệnh hại lúa và các biện pháp phòng trừ hữu hiệu.

Các loại sâu bệnh hại lúa thường gặp

1. Các loại sâu hại lúa

1.1. Sâu cuốn lá nhỏ hại lúa

Sâu cuốn lá nhỏ là loại sâu bệnh hại lúa gây hậu quả nghiêm trọng trên cây lúa. Sâu cuốn lá gây hại từ khi lúa đẻ nhánh tới khi lúa ngậm sữa. Dịch thường phát sinh nặng vào thời điểm khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao, mưa nắng xen kẽ trên những ruộng lúa xanh tốt, rậm rạp có bản lá rộng, ruộng gần bờ mương, đường đi, ruộng ven làng. Sâu cuốn lá thường phát sinh 6-7 lứa mỗi năm, gây hại lúa nặng nhất trong vụ mùa, tập trung từ trung tuần tháng 8 đến đầu tháng 9 trên lúa mùa chính vụ.

sâu cuốn lá nhỏ hại lúa

Nhận biết một số đặc điểm gây hại của sâu cuốn lá nhỏ hại lúa

Sâu cạp phần nhu mô lá, để lại lớp biểu bì trắng dọc theo gân lá. Sâu cuốn lá thành ống và trú ngụ bên trong. Ruộng lúa bị gây hại nặng từ giai đoạn đòng trổ về sau có thể ảnh hưởng đến năng suất do sâu cuốn lá làm giảm khả năng quang hợp, tăng tỉ lệ hạt lép. Ruộng sạ dày, rậm rạp, bón nhiều phân đạm thường bị hại nặng hơn.

một số biện pháp phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ gây hại trên cây lúa

Biện pháp phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ gây hại trên cây lúa

– Vệ sinh đồng ruộng, diệt sạch cỏ dại xung quanh bờ để sâu không có nơi cư trú chờ gây hại cho vụ sau.

– Bón phân với tỉ lệ N, P, K cân đối, không bón thừa đạm hay bón đạm muộn.

– Lưu ý gieo sạ mật độ vừa phải, nhất là đối với những giống lúa có lá to, chịu phân.

– Giai đoạn lúa trước 40 ngày tuổi sau sạ hoặc trước 30 ngày sau cấy thường không bị ảnh hưởng năng suất, do đó không cần phun thuốc nhằm bảo vệ thiên địch, giúp khống chế bớt mật độ số sâu vào giai đoạn sau.

– Thăm đồng thường xuyên để nhận biết các loại sâu bệnh hại lúa và phòng trừ sớm khi bướm xuất hiện hay sâu non chưa gây hại.

– Nếu mật độ sâu cao vào giai đoạn lúa làm đòng – trổ đòng, có thể sử dụng một số loại thuốc như Vithadan 95WP, FM-Tox 25EC, Fartack 50EC, Bestox 5EC phun vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

1.2. Sâu đục thân hai chấm hại lúa

Sâu đục thân hai lúa thường gặp trên lúa vào vụ mùa. Sâu non đục vào thân mạ, lúa cắn nõn lúa gây ra dảnh héo giai đoạn lúa đẻ nhánh, hoặc cắt đứt ngang cuống đòng, cuống bông gây ra bạc bông giai đoạn lúa trổ.

phòng trừ sâu đục thân hai chấm hại lúa

Nhận biết một số đặc điểm gây hại của sâu đục thân hai chấm hại lúa

Trong một vụ lúa thường có ba đợt sâu non tấn công và gây hại nặng cho lúa:

– Thời kỳ mạ: Sâu đục thân đục qua bẹ phía ngoài vào đến nõn giữa, cắn phá làm cho dảnh lúa bị héo.

– Thời kỳ lúa đẻ nhánh: Sâu đục vào phần dưới của thân, cắt đứt tổ chức bên trong, phá hại chức năng dẫn nhựa làm cho lá non trước tiên bị cuốn dọc, có màu xanh tái sẫm, dần chuyển sang màu vàng và héo khô.

– Thời kỳ sắp trỗ hoặc mới trỗ: Sâu đục thân đục qua lá bao của đòng chui vào giữa rồi bò xuống đục ăn điểm sinh trưởng, cắt đứt các mạch dẫn dinh dưỡng làm cho bông lép trắng.

Biện pháp phòng trừ sâu đục thân hai chấm hại lúa

– Vệ sinh đồng ruộng: Cày lật gốc rạ, phơi ải sau khi thu hoạch

– Bón phân cân đối, hợp lý

– Theo dõi các đợt bướm ra quanh năm, đốt đèn bẫy bướm hoặc ngắt ổ trứng đem tiêu hủy

– Sử dụng một số loại thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa như Bestox 5EC, Vantex 15CS, Wamtox 100EC. Thời điểm phun hiệu quả nhất là khi lúa trổ, sau khi bướm có mật độ cao 7 ngày, mật độ ổ trứng từ 0,2 ổ/m2 trở lên. Những nơi có mật độ trên 0,5 ổ/m2 cần tiến hành phun kép 2 lần, cách nhau 4-5 ngày.

2. Các loại côn trùng chích hút hại cây lúa

2.1. Rầy nâu hại lúa

Rầy nâu thích hợp phát triển trong điều kiện khí hậu nóng, độ ẩm cao, mưa nắng xen kẽ. Rầy xâm nhập vào ruộng lúa ngay từ khi mới cấy và gây hại cả trên mạ. Rầy nâu hại lúa phát sinh mật độ lớn và gây hại nặng vào giai đoạn lúa trổ xong, giai đoạn ngậm sữa và bắt đầu chín. Không chỉ là loại sâu bệnh gây hại trên lúa trực tiếp, rầy nâu còn là trung gian truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đặc biệt nguy hiểm cho lúa.

rầy nâu hại lúa

Ở miền Bắc, mùa đông lạnh nên có 2 thời kỳ cao điểm và gây cháy rầy là vào tháng 5 – vụ xuân và cuối tháng 9 đầu tháng 10 (vụ mùa) trùng với giai đoạn lúa trổ – ngậm sữa.

Nhận biết một số đặc điểm gây hại của rầy nâu trên cây lúa

Rầy nâu có 5 tuổi, tuổi nhỏ thường gọi là rầy cám. Rầy trưởng thành có màu xám nâu và có 2 dạng cánh ngắn và cánh dài. Khi mật độ rầy cánh ngắn xuất hiện cao là báo trước nguy cơ cháy rầy. Rầy cánh dài thường xuất hiện khi cách yếu tố thức ăn không phù hợp và thời tiết bất lợi.

Rầy nâu thường bám trên thân lúa sát mặt nước, chích hút dịch lúa để sống và hoàn thiện vòng đời. Nếu mật độ rầy nâu thấp, cây lúa sinh trưởng kém, lá biến màu xanh vàng. Khi mật độ rầy cao (trên 3000 con/m2) thì cây lúa bị chết và biến thành màu vàng rơm (hiện tượng cháy rầy). Trường hợp lúa bị rầy nâu truyền bệnh virus gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá sẽ gây thất thu hoàn toàn năng suất mà hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh.

Các biện pháp phòng trừ rầy nâu hại lúa

Sử dụng giống lúa kháng rầy

– Gieo cấy mật độ thích hợp, bón phân cân đối

– Thả vịt vào ruộng lúa diệt rầy

– Khi mật độ rầy cám từ 18-27 con/khóm lúa cần phun thuốc trừ rầy

– Sử dụng các loại thuốc trừ rầy nâu cho lúa nội hấp lưu dẫn tốt, phun không cần rẽ luống như: Chersieu 50WG, Babsax 300WP, Cherray 700WP, Anvado 200SC. Lưu ý phun trước khi lúa đỏ đuôi.

2.2. Bọ trĩ (bù lạch) hại lúa

Bọ trĩ là một trong cách loại sâu bệnh hại lúa phổ biến. Bọ trĩ thường gây hại khi lúa còn non ở giai đoạn má, lúa hồi xanh và đang đẻ nhánh. Lúa xuân muộn (thời điểm tháng 3, 4) thường bị nặng hơn cả. Lúa gieo thẳng bị hại nặng hơn lúa cấy. Những năm khô hạn thích hợp cho bọ trĩ phát sinh rộ. Ruộng lúa càng khô hạn thì thiệt hại do bọ trĩ hại lúa gây ra càng lớn.

phòng trừ bọ trĩ - bù lạch hại lúa

Một số biện pháp phòng trừ bọ trĩ hại lúa

– Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại, nhất là cỏ môi – ký chủ chính của bọ trĩ

– Gieo cấy mật độ vừa phải, giữ nước không để ruộng khô

– Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện và phun thuốc kịp thời

– Phun các loại thuốc phòng trị bọ trĩ hại lúa như Mã Lục 250WP, Cherray 700WP…

2.3. Rầy lưng trắng hại lúa

Rầy lưng trắng cũng là một trong các loại sâu bệnh hại lúa thường thấy. Rầy trưởng thành và rầy non đều hút nhựa cây từ dảnh và lá lúa. Nếu rầy gây hại vào giai đoạn lúa trổ bông làm cho số lượng bông và chiều dài bông giảm, hạt lúa bị lép, lửng và làm chậm quá trình chín của hạt. Rầy lưng trắng hại nặng trên các giống lúa nhiễm rầy, lúa lai, ruộng lúa cấy dày, bón nhiều đạm. Ngoài ra, rầy lưng trắng chính là môi giới truyền bệnh virus lùn sọc đen cho lúa.

rầy lưng trắng - bọ phấn trắng hại lúa

Các biện pháp phòng trừ rầy lưng trắng gây hại trên cây lúa

– Sử dụng giống lúa kháng rầy

– Không trồng lúa liên tục trong năm, đảm bảo thời gian cách ly giữa hai vụ lúa ít nhất 20 – 30 ngày, không để vụ lúa chét.

– Không gieo cấy quá dày, bón phân N, P, K tỉ lệ cân đối, tránh bón thừa đạm

– Thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm sự xuất hiện của rầy trên cây lúa (lưu ý vạch gốc lúa để xem)

– Thả vịt vào ruộng lúa diệt rầy

– Phun thuốc khi trứng nở được 80% với mật độ > 50 con/khóm.

+ Giai đoạn đẻ nhánh – đòng: Sử dụng các loại thuốc trừ sâu hại lúa có tác dụng nội hấp và ức chế sinh trưởng: Ba Đăng 500WP, Mã Lục 250WP, Chersieu 50WG…

+ Giai đoạn đòng già – ngậm sữa, chắc xanh: Chỉ dùng các loại thuốc tiếp xúc có hoạt chất Fenobucarb như Excel Basa 50EC.

3. Các loại bệnh hại lúa

3.1. Bệnh đốm vằn, khô vằn hại lúa

Bệnh đốm vằn, khô vằn là loại bệnh hại lúa toàn thân. Nguyên nhân gây bệnh do loài nấm Rhizoctonia Solani sống trong đất. Bệnh gây hại bẹ lá, phiến lá và cổ bông. Nơi phát sinh bệnh đầu tiên thường là các bẹ lá sát mặt nước hoặc bẹ lá già ở dưới gốc. Khi bị nhiễm bệnh, trên bẹ lá xuất hiện các vết đốm hình bầu dục màu lục tối hoặc xám nhạt, sau lan rộng ra thành vết vằn da hổ dạng đám mây. Khi bệnh nặng, cả bẹ lá và lá phía trên lúa sẽ bị chết lụi.

bệnh khô vằn trên lúa

Các biện pháp phòng trừ bệnh khô vằn hại lúa

– Diệt nguồn lây lan bệnh như lục bình, cỏ dại, lúa chét…

– Sạ lúa với mật độ vừa phải, dùng giống kháng bệnh

– Bón phân cân đối, không bón dư đạm, không được bón phân khi lúa bị bệnh

– Thăm đồng thường xuyên để phát hiện bệnh kịp thời (lưu ý phần bẹ lá tiếp xúc với mặt nước)

– Chủ động phun thuốc phòng ngừa ở 2 thời kỳ 40 ngày sau sạ (làm đòng) và 55 ngày sau sạ (trước trỗ) bằng các loại thuốc như: Valivithaco 3SL, A-V-T Vil 5SC

3.2. Bệnh đạo ôn hại cây lúa

Bệnh đạo ôn hại lúa do nấm Pyricularia Oryzae gây ra. Bào tử nấm được sản sinh ra với khối lượng lớn vào ban đêm. Trong điều kiện độ ẩm cao trên 90% hoặc có giọt nước, sương, bào tử nảy mầm xâm nhiễm trực tiếp vào mô thực vật, phát tán và lây lan bệnh rất nhanh. Thời gian ủ bệnh 4-5 ngày. Nhiệt độ thích hợp cho bào tử nấm xâm nhiễm là 24 – 28 độ C.

bệnh đạo ôn gây hại trên cây lúa

Nhận biết một số dấu hiệu gây hại của bệnh đạo ôn trên lúa

Bệnh thường tấn công trên lá, vết bệnh có dạng hình mắt én, tâm màu nhạt, nhiều vết bệnh liên kết với nhau làm cháy khô lá. Ở trên cổ bông có vết màu nâu sậm hoặc đen lõm vào. Vết bệnh có thể tấn công vào mọi giai đoạn sinh trưởng và các bộ phận của cây lúa trên cổ bông, nhánh gié hoặc trên cổ đọt thân. Nếu bệnh nặng sẽ làm khô cổ bông, bông lúa bị gẫy. Bệnh đạo ôn hại lúa phát triển mạnh trong vụ Đông Xuân, khi trời âm u có nhiều sương mù.

Các biện pháp phòng trừ bệnh đạo ôn trên cây lúa

– Diệt sạch cỏ dại, rợm rạ có chứa mầm bệnh trước khi canh tác.

– Xử lý hạt giống bằng cách ngâm trong nước ấm 15 phút.

– Gieo sạ với mật độ vừa phải, bón phân cân đối tỉ lệ N, P, K, đặc biệt là phân kali để tăng cường tính kháng của tế bào cây đối với sự xâm nhập của nấm bệnh.

– Nếu thấy bệnh chớm phát, ngưng bón đạm ngay và không để ruộng khô nước.

– Sử dụng một số loại thuốc trừ bệnh cây trồng để phòng trị như: Benlazole 75WP, Funhat 40EC, Colraf 20WP. Lưu ý không phun kèm phân bón lá khi lúa đang bị bệnh.

3.3. Bệnh bạc lá (cháy bìa lá) hại lúa

Bệnh bạc lá hay còn gọi là bệnh cháy bìa lá hại lúa do vi khuẩn Xanthomonas Campestris Oryzae gây ra. Bệnh thường xảy ra lúc mưa to gió lớn. Lúa vụ mùa một số giống có tiềm năng năng suất cao thường hay bị bệnh bạc lá. Khi mắc bệnh, cây không có khả năng quang hợp để tạo dinh dưỡng nuôi hạt, từ đó những ruộng lúa bị bệnh bạc lá tỉ lệ lép rất cao, làm giảm năng suất rất lớn, có thể mất trên 50% năng suất.

bệnh bạc lá - cháy bìa lá lúa

Nhận biết một số dấu hiệu gây hại của bệnh bạc lá trên lúa

Ban đầu, vết bệnh giống như những sọc thấm nước ở rìa lá có màu vàng đến màu trắng. Vết bệnh có thể bắt đầu ở một hoặc cả hai bên mép lá, hoặc bất kỳ điểm nào trên lá, sau đó lan ra phủ toàn bộ lá. Trên giống nhiễm, vết bệnh có thể lan tới tận bẹ lá. Ruộng lúa cấy dày, bón nhiều đạm, ruộng hẩu, trồng các giống nhiễm sẽ dễ bị nặng. Bệnh nặng có thể làm toàn bộ lá khô bạc trước khi chín. Chúng gây hại ở tất cả các bộ phận của cây lúa như lá, thân, bông và cả hạt lúa. Bệnh lan theo chiều gió. Bệnh bạc lá làm lúa lép lửng cao, giảm năng suất nghiệm trọng.

Một số biện pháp phòng trừ bệnh bạc lá hại lúa

– Vệ sinh đồng ruộng, diệt sạch cỏ dại đã nhiễm bệnh.

– Dùng giống lúa tốt, kháng sâu bệnh.

– Gieo sạ với mật độ vừa phải, bón đủ lân và kali, không bón thừa đạm, tạo điều kiện để cây sinh trưởng khỏe, tăng sức đề kháng

– Tích cực phòng trừ côn trùng gây thương tích cho lúa

– Khi ruộng nhiễm bệnh, ngưng bón đạm, thay nước trong ruộng. Tiến hành phun các thuốc đặc trị vi khuẩn như Kamsu 2SL, Sasa 25WP, Kasagen 250 WP. Khi lúa trổ xong, có thể phun bổ sung các loại thuốc như A-V-T Vil 5SC, Supertim 300EC để giảm tỉ lệ lem lép hạt.

Trên đây là tổng hợp các loại sâu bệnh hại lúa thường gặp và biện pháp phòng trừ thích hợp. Chúc bà con canh tác tốt và có những mùa màng bội thu. Để được tư vấn thêm về các loại thuốc trừ sâu bệnh hại trên cây lúa nói riêng và các loại cây trồng nói chung, quý bà con nông dân và đại lý hãy liên hệ Việt Thắng Hà Nội qua số hotline 089 958 3456.