bệnh xì mủ trên cây cao su

Bệnh xì mủ trên cây cao su và biện pháp phòng trừ

Bệnh xì mủ trên cây cao su là một loại bệnh khá nguy hiểm gây nên những ảnh hưởng tiêu cực cho quá trình thu hoạch mủ cao su. Bệnh làm rút ngắn thời gian khai thác cao su, làm giảm sản lượng mủ tới 40%, gây tổn thất nặng nề về kinh tế.

Vậy nguyên nhân gây bệnh xì mủ trên cao su là do đâu? Làm cách nào để phòng và trị bệnh xì mủ cao su hiệu quả? Mời bà con cùng Việt Thắng Hà Nội tìm hiểu qua bài viết sau.

Tìm hiểu bệnh xì mủ trên cây cao su

1. Tác nhân gây bệnh xì mủ cao su

Bệnh xì mủ trên cây cao su do nấm Phytophthora palmivora bull gây ra.

Trong điều kiện có nước và nhiệt độ thấp, bào tử tạo thành nhiều bào tử động một cách nhanh chóng di chuyển theo nước xâm nhiễm lây bệnh qua miệng cắt mặt cạo, qua vết thương cơ giới và qua lỗ hở tự nhiên của cây. Sợi nấm xuyên sâu vào các mô tế bào qua mạch libe, qua mô phân sinh tới mạch gỗ.

2. Điều kiện phát sinh phát triển bệnh xì mủ trên cây cao su

– Bệnh xì mủ cao su sinh sôi và phát triển mạnh mẽ dựa vào nhiều yếu tố. Ảnh hưởng nhất chính là nhiệt độ và ẩm độ.

– Nhiệt độ thuận lợi nhất cho sự phát triển nhanh chóng của bệnh là từ 20 – 25ºC. Ở nhiệt độ này thì sẽ làm tăng kích thước vết bệnh trên cây cao su lên rất nhiều lần. Độ ẩm từ 85 – 95% sẽ là điều kiện tốt làm cho nấm bệnh dễ lây lan cũng như tăng nhanh số vết bệnh trên cây cao su.

– Khí hậu ở khu vực miền Bắc, vùng Phủ Quỳ, Nghệ An thì bệnh hại thường xuất hiện từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Bệnh nặng nhất là từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Khu vực Thừa Thiên Huế sẽ xuất hiện bệnh từ tháng 9 cho đến tháng 11 hằng năm.

– Đối với các lô cao su trồng dày và cành lá xum xuê gây thiếu ánh sáng thì bệnh sẽ xuất hiện bệnh hại nặng và nghiêm trọng hơn. Khu vực đất trũng ẩm thấp cũng là điều kiện tốt để bệnh hại lây lan.

– Việc cạo mủ quá sâu sẽ là cơ hội tốt để nấm bệnh xâm nhập.

3. Triệu chứng cây cao su bị bệnh xì mủ

Bệnh phát sinh gây hại ở bất kỳ giai đoạn sinh trưởng nào. Triệu chứng và dấu hiệu cụ thể của bệnh hại sẽ được thể hiện tùy theo tuổi cây và bộ phận bị gây hại.

– Trên những cây con ở vườn ươm và vườn nhân gốc ghép thì loại bệnh này thường sinh sôi và gây hại trên thân cành, cuống lá cây cao su. Ở nơi bị nhiễm bệnh, nhựa cây cao su sẽ tự chảy ra tạo thành từng giọt. Khi bệnh nhiễm ở mức độ nặng có thể ăn sâu vào trong lõi gỗ, đồng thời bên trong thân cây cao su cũng xuất hiện các sọc với màu đen sẫm. Với điều kiện thời tiết ẩm ướt, trên vết bệnh sẽ xuất hiện lớp nấm có màu trắng, khi bệnh nhiễm nặng sẽ khiến cây con trở nên khô dần, thậm chí là chết.

– Với cây cao su trưởng thành đã khai thác nhựa, vết bệnh thường xuất hiện trên cành non, cuống lá và thân cây cao su. Ở những cành lớn và thân cây, lớp vỏ sẽ sưng phồng lên và mô bệnh bị chảy nhựa ra ngoài. Nếu bà con cắt lớp vỏ ngoài của cây cao su sẽ thấy phiến nhựa và bề mặt lõi gỗ trở nên thâm đen cũng như có mùi hôi rất khó chịu.

– Khi vết bệnh hại xuất hiện trên miệng của mặt cạo mủ sẽ gây ra tình trạng thối miệng cạo, lớp vỏ kế tiếp chuyển sang màu nâu. Đồng thời đường cạo sẽ hình thành các sọc đen nhỏ giống như nét bút chì đậm. Nếu bệnh nhiễm nặng thì những đường sọc này sẽ loang rộng ra và biến thành sọc to thâm đen trên lớp vỏ tái sinh và vỏ nguyên sinh ở vị trí dưới đường cạo.

Biện pháp phòng trừ bệnh xì mủ trên cây cao su

1. Biện pháp canh tác

– Tạo không gian thoáng mát và đầy đủ ánh sáng cho vườn cao su để bệnh hại không có điều kiện thuận lợi phát triển.

– Chủ động chăm sóc, bón phân cân đối để cây luôn khỏe mạnh và sinh trưởng tốt.

– Với những cây cao su đã lớn thời kỳ bệnh xuất hiện cần tỉa bỏ các cành bệnh, cây bệnh và vệ sinh sạch cỏ.

2. Biện pháp hóa học

– Phòng bệnh: Phun Boocđô từ 0,5 đến 1% trước mùa bệnh xuất hiện. Đối với mắt ghép thì bà con cần lưu ý xử lý thuốc để ngăn chặn bệnh bằng dung dịch CuSO4.5H2O 1% trong 5 phút. Một chú ý nhỏ là trước khi nhúng vào thuốc thì bà con cần bôi lớp sáp kín phần mặt cắt nhằm để tránh thuốc xâm nhập vào lõi gỗ. Khi nhúng thuốc xong cần phải rửa sạch lại bằng nước, hong khô trước khi mang đi ghép.

– Trị bệnh: Khi bà con thấy bắt đầu có triệu chứng bệnh hại xuất hiện với mức độ nhỏ và nhẹ cần lấy dao sắc cạo phần mô bị bệnh và thực hiện bôi quét thuốc hoặc phun thuốc có chứa Mancozeb + Metalaxyl (Rorigold 720WP), Azoxystrobin + Difenoconazole (Asmaitop 325SC).