bệnh thán thư khô cành khô quả cà phê

Bệnh khô cành khô quả trên cây cà phê và biện pháp phòng trừ

Bệnh khô cành khô quả trên cây cà phê xuất hiện nhiều trong mùa mưa khiến cho chất lượng và sản lượng cà phê bị sụt giảm. Vậy nguyên nhân gây bệnh là gì? Cần sử dụng các biện pháp nào để phòng trừ bệnh khô cành khô quả cho cây cà phê? Mời bà con cùng Việt Thắng Hà Nội tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau.

Tìm hiểu bệnh khô cành khô quả trên cây cà phê

1. Tác nhân gây bệnh khô cành khô quả ở cà phê

Bệnh khô cành khô quả cà phê (hay còn gọi là bệnh thán thư cà phê), chủ yếu do một loài nấm có tên gọi Colletotrichum Cofeanum Noack gây ra. Ngoài ra, bệnh có thể sinh ra bởi một số vi khuẩn như Pseudomonas syringea, P. garcae, hoặc do bị khô cành sinh lý (còn gọi là bệnh die-back).

Bệnh gây rụng quả non giảm năng suất, cành khô héo nhiều gây khuyết tán, mất cành dự trữ, ảnh hưởng thêm năng suất vụ sau. Trường hợp bệnh nặng sẽ lây lan nhanh chóng, nếu không phòng trừ kịp thời còn làm khô cành khô quả trên diện tích lớn gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, thậm chí chết cây trên diện rộng.

2. Điều kiện phát sinh phát triển bệnh khô cành khô quả cà phê

– Bào tử của nấm Colletotrichum Cofeanum chỉ có thể nảy mầm khi tiếp xúc với nước trong điều kiện nhiệt độ dưới 20 độ C. Do đó các cơn mưa chiều tối thường là thời điểm nảy mầm của bào tử nấm.

– Tuy nhiên trong nhiều trường hợp khi đủ độ dinh dưỡng trong môi trường xung quanh, bào tử cũng có thể nảy mầm ở nhiệt độ cao hơn từ 20-35 độ C.

– Thời gian ủ bệnh của nấm kéo dài từ 4-6 tuần, mưa và các yếu tố thời tiết, động vật làm cho bào tử nấm lan rộng sang các vị trí khác trên cây và lây qua các cây khác.

– Do nấm đặc tính phát triển có liên quan đến nước nên bệnh thường phát triển trong mùa mưa, bắt đầu từ tháng 5-6 dương lịch, lên tới đỉnh điểm vào khoảng tháng 8 đến tháng 10. Sau đó chậm lại do thời tiết chuyển mùa ít mưa hơn.

– Các vườn cà phê trồng dày, bón thừa phân đạm, rậm rạp, cỏ dại nhiều và ẩm độ cao thì bị bệnh nặng.

3. Triệu chứng cà phê bị bệnh khô cành khô quả

– Bệnh gây hại trên quả, cành và lá cà phê. Cà phê chè thường bị nhiều hơn cà phê vối.

– Ban đầu bệnh có thể quan sát thấy thông những vết nhỏ màu vàng nâu hoặc nâu xuất hiện trên quả, cành, lá. Sau lan rộng ra xung quanh, vết bệnh lõm xuống dần chuyển thành nâu sẫm, cành lá quả nhiễm bệnh bị khô héo rồi chuyển sang màu đen và gãy rụng.

– Trên cà phê vối bệnh thường thối đen đầu quả, gây rụng quả non. Bệnh cũng có thể xuất hiện tại cuống quả, vị trí tiếp xúc giữa 2 quả liền kề, những nơi mà nước có thể đọng lại.

– Trên cành, bệnh thường xuất phát từ vị trí đốt cành.

Biện pháp phòng trừ bệnh khô cành khô quả trên cà phê

1. Biện pháp canh tác

– Sử dụng các giống cà phê năng suất cao, sinh trưởng mạnh, có khả năng kháng bệnh tốt.

– Trồng cà phê ở mật độ thích hợp, tránh trồng dày để đảm bảo độ thông thoáng.

– Tránh bón phân dư đạm, vì sẽ làm vườn cây rậm rạp, dễ nhiễm bệnh.

– Cần có hệ thống thoát nước thật tốt sau khi mưa, tránh ẩm độ cao trong vườn.

– Trong mùa mưa, thường xuyên vệ sinh vườn cây, trừ cỏ dại và cắt tỉa cành chết, cành vô hiệu nằm khuất trong tán để tạo sự thông thoáng.

– Cắt tỉa cành bệnh, mang tiêu hủy ngay khi vừa phát hiện

– Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện bệnh và xử lý kịp thời

2. Biện pháp hóa học

Vào đầu mùa mưa và trong suốt mùa mưa, có thể phun phòng bệnh bằng các thuốc trị nấm, thuốc trừ vi khuẩn, đặc biệt các thuốc gốc đồng gốc bạc cho thấy kết quả tốt. Phun mỗi lần cách nhau 1 tháng, mỗi năm phun 2 – 4 lần tùy theo tình hình thời tiết mưa nhiều hay ít.

Một số thuốc trị bệnh khô cành khô quả trên cây cà phê

Thuốc Daconil 500SC

Thuốc Ajily 77WP

Thuốc Supertim 300EC

Thuốc A.V.T Vil 5SC

Thuốc Asmaitop 325SC