Bên cạnh bệnh khô vằn, bệnh đốm lá lớn, thì bệnh gỉ sắt cũng là một trong những bệnh hại ngô phổ biến tại các vùng trồng ngô của nước ta. Hiện nay đã có rất nhiều loại thuốc đặc trị bệnh gỉ sắt trên cây ngô. Tuy nhiên, việc quan trọng là bà con cần hiểu rõ đặc điểm phát sinh, gây hại của bệnh để sớm có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.
Tìm hiểu về bệnh gỉ sắt trên cây ngô
1. Tác nhân gây bệnh gỉ sắt hại ngô
– Tác nhân gây ra bệnh gỉ sắt trên ngô là nấm Puccinia maydis, thuộc bộ Uredinales, lớp Nấm Đảm.
– Puccinia maydis là nấm gỉ sắt chu trình lớn (vòng đời đầy đủ hình thành tới 5 loại bào tử): Bào tử đảm – bào tử giống – bào tử xuân – bào tử hạ – và bào tử đông).
– Puccinia maydis là nấm gỉ sắt dị chủ: hoàn thành vòng đời đầy đủ trên 2 cây ký chủ là ngô và chua me đất.
– Nấm Puccinia maydis không phải là tác nhân truyền qua hạt giống mà là bằng bào tử phát tán qua không khí.
– Trên cây ngô, nấm Puccinia maydis có thể bắt đầu quá trình xâm nhiễm bằng bào tử xuân hoặc bào tử hạ.
– Bào tử hạ có thể tồn tại lâu dài trên tàn dư lá bệnh ở ruộng và trên hạt qua năm, bào tử hạ nảy nầm ở nhiệt độ 14 – 32ºC nhưng thích hợp nhất là 17 – 18º C, trong điều kiện độ ẩm bão hòa.
2. Điều kiện phát sinh phát triển của bệnh gỉ sắt trên cây ngô
– Trong điều kiện cây ngô được trồng quanh năm, nguồn bệnh chủ yếu là bào tử hạ từ tàn dư cây ngô từ vụ trước.
– Trong điều kiện cây ngô không được trồng quanh năm, nguồn bệnh chủ yếu là bào tử xuân hình thành trên cây chua me đất.
– Ở nước ta, sự lây lan và bảo tồn nguồn bệnh chủ yếu bằng bào tử hạ trên tàn dư cây vụ trước.
– Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết ôn hòa, nhiệt độ trung bình, có mưa.
– Ngô xuân hè và hè thu bị bệnh nặng hơn ở miền trung du, miền núi trên giống ngô mới nhập nội và ngô lai, vào cuối vụ bệnh có thể phát triển mạnh trên toàn cây làm lá nhỏ và cây lụi, bắp nhỏ đi rất nhiều.
3. Dấu hiệu nhận biết cây ngô bị bệnh gỉ sắt
– Bệnh gỉ sắt gây hại chủ yếu ở phiến lá, có khi ở bẹ và lá bi.
– Trên bề mặt lá có các ổ nổi (khoảng 1mm) chứa một khối bột màu nâu đỏ hoặc vàng gạch non (là các ổ bào tử hạ). Đến cuối giai đoạn sinh trưởng của ngô, trên lá hình thành các ổ nổi màu đen là ổ bào tử đông. Vết bệnh thường dày đặc trên lá dễ làm lá cháy khô.
Biện pháp phòng trừ bệnh gỉ sắt hại ngô
1. Biện pháp canh tác ngăn ngừa bệnh gỉ sắt cho ngô
– Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn sạch tàn dư thực vật của vụ trước mang đi tiêu huỷ bằng cách phơi khô, đốt. Cày xới đất chôn vùi gốc, thân lá bắp còn sót lại sẽ hạn chế bệnh vụ sau.
– Trồng mật độ thích hợp, vừa phải, không trồng dầy. thường mật độ trồng thay đổi từ 60.000 cây – 70.000 cây/ Ha. Khoảng cách 70×20 cm -70×25 cm/1 hạt.
– Dùng các giống kháng bệnh gỉ sắt.
– Chăm sóc tốt, bón phân cân đối, hợp lý, không bón thừa đạm, liên tục ngắt tỉa lá già, lá bệnh, tạo độ thoáng đãng cho ruộng ngô.
2. Biện pháp hóa học phòng trị bệnh gỉ sắt trên cây ngô
– Hiện Việt Thắng có các loại thuốc đặc trị bệnh gỉ sắt trên cây ngô hiệu quả cao như Supertim 300EC, A.V.T Vil 5SC, Fovathan 80WP. Bà con có thể liên hệ hotline 089 958 3456 để được cung cấp thông tin đại lý gần nhất.
– Lưu ý sử dụng liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì, khi phun cần nâng cao cần để thuốc thấm hết hai mặt của lá và từ trên ngọn xuống. Nên phun vào những buổi chiều mát.
– Trường hợp ruộng bị bệnh nặng thì sau khi phun thuốc cần tăng cường bổ sung phân bón và tưới đủ ẩm để ruộng ngô phục hồi nhanh.