Bệnh đốm lá trên cây sầu riêng

Bệnh đốm lá trên cây sầu riêng và biện pháp phòng trừ

Bệnh đốm lá trên cây sầu riêng gây ảnh hưởng tới quá trình quang hợp của lá cây, dẫn tới lá bị rụng, cây còi cọc và kém phát triển. Vậy làm thế nào để nhận biết cây sầu riêng bị bệnh đốm lá? Biện pháp phòng ngừa bệnh đốm lá hại sầu riêng ra sao? Mời bà con cùng Việt Thắng Hà Nội tìm hiểu qua bài viết sau.

Tìm hiểu bệnh đốm lá trên cây sầu riêng

1. Tác nhân gây bệnh đốm lá ở sầu riêng

Tác nhân gây bệnh đốm lá trên cây sầu riêng là do nấm Phomopsis durionis gây ra. Cây sầu riêng dễ bị tấn công bởi căn bệnh này, đặc biệt là thời kỳ cây con.

2. Điều kiện phát sinh phát triển bệnh đốm lá trên sầu riêng

– Bệnh đốm lá hại sầu riêng thường phát sinh và phát triển mạnh ở những vườn trồng với mật độ quá dày, rậm rạp, thiếu ánh sáng, kém thông thoáng, thiếu chăm sóc, vườn phun nhiều phân bón lá hoặc những vườn cây lớn tuổi.

– Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, nhất là những tháng mưa dầm liên tục, đây là môi trường thuận lợi cho nấm bệnh xuất hiện và gây hại cho cây.

– Vết thương hở do côn trùng chích cũng tạo điều kiện cho bệnh phát triển.

3. Triệu chứng cây sầu riêng bị bệnh đốm lá

– Cây bị nhiễm bệnh xuất hiện các đốm nhỏ có màu vàng trên bề mặt lá, sau đó chuyển dần sang màu nâu rồi hoại tử. Lâu dần vết bệnh sẽ tăng dần kích thước và khiến lá bị rụng.

– Lá rụng nhiều làm giảm khả năng quang hợp, cây sinh trưởng kém, chậm lớn. Nếu cây bị bệnh trong giai đoạn ra hoa kết trái thì cây sẽ ra hoa ít, kết trái kém, trái phát triển không đều, lép, nhỏ.

Các biện pháp phòng trừ bệnh đốm lá gây hại trên sầu riêng

1. Biện pháp canh tác phòng ngừa bệnh đốm lá trên cây sầu riêng

– Trên cây nhỏ (1-2 năm) nếu thấy bệnh mới xuất hiện có thể tiến hành cắt bỏ và tiêu hủy các lá bệnh để tránh lây lan.

– Bổ sung dinh dưỡng cân đối, đầy đủ đa trung vi lượng. Đặc biệt, tránh bón thừa đạm.

– Trồng cây với mật độ thích hợp và lựa chọn giống sạch bệnh.

– Cắt tỉa cành thông thoáng, đặc biệt là các cành sát đất, cành giao tán.

– Kiểm tra vườn thường xuyên, đặc biệt khi cây ra lá non trong điều kiện có sương hoặc mưa liên tục để phát hiện và xử lý bệnh kịp thời.

2. Biện pháp sinh học phòng trị bệnh đốm lá sầu riêng

– Tăng cường bón phân hữu cơ vi sinh (Trichomix-CTĐ, Trimix-N1, …), đặc biệt trong giai đoạn mùa mưa, để tăng sức đề kháng cho cây.

– Định kỳ hàng tháng trong mùa mưa hay khi thời tiết có sương nhiều thì tiến hành phun xịt ướt đều 2 mặt lá bằng các chế phẩm sinh học có khả năng đối kháng tốt nấm bệnh như Tricho-Nema, Trichoderma…

3. Biện pháp hóa học đặc trị bệnh đốm lá trên sầu riêng

Khi cây vừa mới xuất hiện bệnh nên dùng thuốc chứa các hoạt chất Mancozeb + Metalaxyl (Rorigold 720WP) phun ướt đều 2 mặt lá. Phun 2 lần cách nhau 5-7 ngày để trị bệnh cho cây.