bệnh chổi rồng trên cây nhãn

Bệnh chổi rồng trên cây nhãn và biện pháp phòng trừ

Bệnh chổi rồng trên cây nhãn còn gọi là bệnh đầu lân hay xù ngọn, chùn ngọn. Bệnh tấn công và gây hại trên các đợt đọt non và hoa nhãn gây hại đến năng suất và chất lượng nhãn. Mời bà con cùng Việt Thắng Hà Nội tìm hiểu chi tiết về bệnh chổi rồng trên cây nhãn qua bài viết sau đây.

Tìm hiểu bệnh chổi rồng trên cây nhãn

1. Tác nhân gây bệnh chổi rồng trên cây nhãn

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Cây ăn quả miền Nam, nguyên nhân gây bệnh chổi rồng trên cây nhãn là do vi khuẩn thuộc nhóm Gamma Prorteobacteria, sống trong mạch dẫn của cây, đặc biệt là trên các đọt non, hoa. Đây là loại vi khuẩn mới chưa được định danh, không thể nuôi cấy trong môi trường nhân tạo.

2. Điều kiện phát sinh phát triển của bệnh chổi rồng ở nhãn

Bệnh chổi rồng gây hại trên nhãn qua 2 con đường:

– Qua nhân gióng vô tính: ghép, chiết cành từ các cây bị bệnh.

– Qua môi giới truyền bệnh là nhện lông nhung hại nhãn. Nhện phát tán qua vận chuyển cây giống, sản phẩm của cây nhãn, đồng thời nhện phát tán từ nơi này qua nơi khác nhờ gió, động vật khác như chim, côn trùng,…

+ Nhện lông nhung (Eryophyes dimocapi), nhện rất nhỏ không nhìn thấy bằng mắt thường. Vòng đời của nhện lông nhung khoảng 8-15 ngày, một năm sinh sản 13-15 thế hệ.

+ Nhện gây hại nặng nhất trong những tháng mùa nắng (tháng 4-5 và tháng 11-12), nhện gây hại và truyền bệnh từ rất sớm (chồi non và nụ hoa). Khi không có đọt non chúng chích hút trên lá già nhưng không biểu hiện rõ triệu chứng.

3. Triệu chứng cây nhãn bị bệnh chổi rồng gây hại

– Bệnh xuất hiện trên các lá non, chồi non và chùm hoa làm chồi lá, hoa không phát triển được, chồi non mọc thành chùm với nhiều nhánh nhỏ biến dạng, co cụm lại như bó chổi.

– Các phân đoạn trên cành, lá, chùm hoa đều ngắn và nhỏ lại, nhìn từ xa như dạng tổ chim hoặc bó chổi. Chồi bị bệnh phát triển kém và thoái hoá, sau đó dẫn đến khô và chết.

Biện pháp phòng trừ bệnh chổi rồng hại nhãn

1. Biện pháp canh tác phòng trừ bệnh chổi rồng trên cây nhãn

– Sử dụng giống nhãn có khả năng chống chịu hoặc ít nhiễm như Xuồng cơm vàng bằng cách trồng mới hoặc ghép cải tạo.

– Không sử dụng cây giống, vật liệu giống từ vườn bị nhiễm bệnh chổi rồng.

– Không nhân giống (chiết, ghép), vận chuyển cây giống từ vùng bị nhiễm bệnh sang vùng chưa nhiễm bệnh.

– Sau thu hoạch, tiến hành vệ sinh vườn, thu gom và tiêu hủy bộ phận bị bệnh.

– Bón phân NPK cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ, bón thêm các phân trung lượng, vi lượng qua gốc và/hoặc qua lá giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, tăng cường sức chống chịu đối với bệnh chổi rồng cũng như các đối tượng sâu bệnh hại khác, giúp cây ra đọt và ra bông tập trung.

– Tưới nước hợp lý theo nhu cầu của cây, ngừng tưới nước trước khi cây chuẩn bị ra cơi khoảng 7 ngày. Khi cây chuẩn bị ra cơi, tưới nước kết hợp với bón phân hợp lý giúp cây ra cơi tập trung vượt qua giai đoạn mẫn cảm nhất của bệnh.

– Cắt tỉa, tạo tán

+ Cắt tỉa đồng loạt: Khi chuẩn bị cho cây ra cơi, loại bỏ bộ phận bị bệnh đồng thời cắt vào cơi 1 năm trước để lại 3 – 4 cặp lá, cắt tỉa tạo tán sao cho cây có bộ tán đều, thông thoáng.

+ Cắt tỉa nhẹ: Loại bỏ cành bị bệnh, cành yếu, cành vượt, cắt tỉa tạo tán giúp cây có bộ tán đều, thông thoáng.

+ Cắt tỉa thường xuyên: Sau mỗi đợt ra cơi, loại bỏ đọt bị bệnh, tỉa bỏ đọt yếu, đọt phát sinh trong thân cây, trong tán không tiếp xúc được với ánh sáng; chỉ giữ lại đọt khỏe có khả năng phát triển tốt. Mỗi cành chỉ để lại từ 1 – 2 đọt.

2. Biện pháp hóa học phòng trừ bệnh chổi rồng trên nhãn

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ nhện lông nhung:

– Khi đọt bắt đầu nhú, tiến hành sử dụng hoạt chất diafenthiuron (PESIEU 500SC) kết hợp với dầu khoáng trừ nhện lông nhung.

– Kết hợp bón phân qua lá tăng cường sự phát triển của cơi, giúp cho cây ra cơi tập trung, vượt qua được giai đoạn mẫn cảm đối với nhện lông nhung.

– Giai đoạn phun thuốc:

+ Cơi 1: Khi đọt bắt đầu nhú cho đến khoảng 0,5 – 1 cm.

+ Cơi 2: Khi đọt chuyển mình từ màu nâu đen sang màu vàng sáng, đọt mềm đến khi đọt 0,5 – 1 cm.

+ Cơi bông: Khi đọt có màu vàng sáng, mềm đến khi phát hoa đầu tiên vươn ra khoảng 1 – 2 cm.