Nhện gié hại lúa là loại sâu bệnh gây hại trên lúa ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng ở tất cả các vụ mùa. Cùng Việt Thắng Hà Nội tìm hiểu về các dấu hiệu nhận biết nhện gié hại lúa và biện pháp phòng trừ nhện gié trên lúa hiệu quả.
Nhện gié hại lúa là gì?
Nhện gié hại lúa có tên khoa học là Steneotarsonemus spinki, thuộc lớp Nhện (Arachnida), bộ Ve bét (Acarina), họ Tarsonemidae Canestrini và Fanzango, loài Steneotarsonemus spinki Smiley. Nhện gié có màu nâu sáng, kích thước rất nhỏ nên khó quan sát bằng mắt thường. Nhện gié xuất hiện và gây hại lúa quanh năm ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng, đặc biệt là vụ Hè Thu khi thời tiết nóng và khô.
Các đặc điểm hình thái và gây hại của nhện gié trên lúa
1. Vòng đời nhện gié hại lúa
Nhện gié có 3 pha phát dục: Trứng – Nhện non (di động, không di động) – Nhện trưởng thành. Vòng đời nhện gié trên cây lúa rất ngắn, từ 10 đến 13 ngày tùy theo nhiệt độ. Trong đó:
– Giai đoạn trứng: 1 – 2 ngày
– Giai đoạn nhện non: 4 – 5 ngày
– Giai đoạn nhện trưởng thành: 5 – 6 ngày
2. Đặc điểm hình thái và sinh thái của nhện gié hại lúa
2.1. Đặc điểm hình thái
– Trứng: Có màu trắng trong, hình trái xoan, đẻ rải rác từng quả hoặc thường dính lại với nhau thành từng đám 5 – 10 quả.
– Nhện gié non (di động, không di động): Có màu trắng đục với 3 đôi chân
– Nhện gié trưởng thành: Có màu trắng đục hơi vàng, có 4 đôi chân, kích thước rất nhỏ và khó quan sát bằng mắt thường. Con đực trưởng thành có kích thước chiều dài là 217mm, bề rộng cơ thể là 121mm. Con cái trưởng thành có kích thước chiều dài là 274mm, bề rộng cơ thể là 108mm. Đặc điểm phân biệt nhện gié đực và nhện gié cái nằm ở đôi chân thứ 4: Trong khi chân con đực phình to phía trong tạo thành đôi kìm hỗ trợ cho việc vận chuyển con cái và giao phối, thì đôi chân thứ 4 của con cái lại tiêu giảm nhỏ bé và có dạng vuốt dài.
2.2. Đặc điểm sinh thái
Nhện gié có khả năng sinh sản đơn tính và hữu tính. Trường hợp sinh sản đơn tính không cần con đực thụ tinh, trứng nhện sẽ nở ra con đực. Trường hợp sinh sản hữu tính có con đực thụ tinh, trứng sẽ nở ra con cái. Trong suốt quá trình sống, nhện cái có khả năng đẻ 50 – 55 trứng. Trong một quần thể nhện gié thường thâ stỉ lệ con cái : con đực là 3:1. Khi điều kiện sống thuận lợi, tỉ lệ là 8 cái : 1 đực.
Nhện gié phát triển mạnh ở nhiệt độ 28 – 30 độ C, độ ẩm cao từ 96%. Khi nhiệt độ thấp hơn, chúng phát triển chậm hơn. Nhện gié có thể lan truyền nhờ vào nước, gió, hạt giống, côn trùng, chuột, công cụ sản xuất nông nghiệp, tàn dư thực vật từ vụ trước qua vụ sau…
Nhện gié hại lúa thường sống tập trung ở trong bẹ lá lúa phần trên mặt nước. Khi mật độ tăng cao, chúng bò lên bông lúa. Nhện gié có thể cư trú bên trong vỏ trấu của hạt lúa. Nhện ở hạt giống có thể bị chết bởi nhiệt độ nóng, lạnh trong kho hoặc chết bởi thuốc khử trùng. Lúa để khô thông thường có thể tiêu diệt nhện trong hạt giống.
Khi không có thức ăn, tất cả các pha nhện gié đều tồn tại tốt trong nước. Nhện gié trưởng thành có khả năng tồn tại trong nước lâu nhất là 23 ngày (con cái thường sống dai hơn con đực), nhện non là 25 ngày. Đáng chú ý, trứng và nhện gié non không di động đều có khả năng nở và lột xác trong môi trường nước.
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà côn trùng học thuộc Viện Lúa Quốc tế thì sự bộc phát của nhện gié có liên quan tới việc nông dân sử dụng nhiều thuốc trừ sâu ở đầu vụ, làm giảm mật độ thiên địch trên đồng ruộng. Ngoài ra còn liên quan tới các yếu tố như gieo sạ quá dày, bón thừa phân đạm, thiếu nước tưới.
3. Đặc điểm gây hại của nhện gié trên lúa
Nhện gié gây hại cho lúa ở mọi giai đoạn từ khi gieo mạ đến khi trổ chín và trên mọi bộ phận của cây lúa như bẹ lá, gân lá, gié lúa và bên trong hạt lúa. Chúng gây hại cho lúa bằng cách chích hút nhựa cây, để lại nhiều sọc dài màu nâu tím bên ngoài bẹ lá.
Khi lúa ở thời kỳ nhỏ nhện gié chích hút bên ngoài bẹ hoặc vị trí tiếp giáp giữa bẹ và thân cây. Vết hại lúc đầu là các chấm màu trắng vàng, sau lan rộng tạo thành những đám trông như vết cạo gió màu nâu hoặc nâu đen.
Đến giai đoạn lúa làm đòng nhện gié đục vào bên trong và sống ở khoang mô bẹ lá và gân lá, tạo thành nhiều sọc dài màu tím chạy dọc theo bẹ lá làm cho lá có màu thâm đen.
Khi lúa trổ chín, nhện gié gây hại trên nhiều bộ phận như bẹ lá, gân lá, thân, bông và trên hạt. Khi mật số cao chúng bò lên bông lúa và chích hút cuống bông, cuống gié và bông lúa trước khi trỗ.
Trong thời kỳ lúa làm đòng mà bị nhện gié tấn công mạnh sẽ làm cây lúa thiếu dinh dưỡng dẫn đến lúa không trổ thoát, hạt lúa bị biến dạng méo mó, lép lửng nhiều, màu nâu đen lốm đốm hoặc thâm đen đều trên cả hạt. Các bông lúa bị hại thường mọc thẳng đứng vì phần lớn số hạt bị lép làm giảm năng suất.
Sự gây hại của nhện gié còn tạo ra các vết thương cơ giới, là điều kiện thuận lợi cho một số loài nấm, vi khuẩn xâm nhập, phát triển và gây hại như Sarocladium oryzae, Curvularia sp., Alternaria padwrekii, trong đó chủ yếu là nấm Sarocladium oryzae gây bệnh thối bẹ.
Không chỉ làm giảm năng suất mà nhện gié còn làm giảm tỷ lệ gạo thương phẩm, chất lượng gạo cũng giảm theo. Trên các giống lúa khác nhau thì mức độ gây hại và mật độ nhện cũng khác nhau.
Các biện pháp phòng trừ nhện gié hại lúa
1. Biện pháp canh tác
– Cày ải phơi đất, vệ sinh đồng ruộng, phun thuốc diệt sạch cỏ bờ, lúa chét, lúa rày.
– Sử dụng giống lúa xác nhận (có bao gói và địa chỉ rõ ràng), có khả năng kháng với các đối tượng sâu bệnh chính trong vùng như rầy.
– Sạ lúa theo hàng với mật độ vừa phải.
– Bón phân N, P, K cân đối.
– Thăm đồng thường xuyên, theo dõi sự xuất hiện gây hại của nhện gié, đặc biệt từ khi lúa làm đòng đến trỗ (35 – 60 ngày sau gieo, cấy).
– Không phun thuốc quá sớm và không phun ngừa để tạo điều kiện cho thiên địch như bọ trĩ (bù lạch) đen và Nhện nhỏ bắt mồi phát triển. Đặc biệt chú ý phát hiện nhện gié hại ở 2 thời kỳ là cuối giai đoạn lúa đẻ nhánh (40 – 50 ngày sau sạ) và trước trổ 5 – 7 ngày.
– Bảo vệ thiên địch trong ruộng lúa, một số loại nhện (như nhện bắt mồi lasioseus sp.) và ong nội ký sinh có khả năng kiềm chế mật số nhện gié.
– Cung cấp đủ nước cho ruộng lúa vì nhện gié thích hợp điều kiện ruộng khô.
– Sau khi thu hoạch lúa, rải rơm đốt đồng trước khi làm đất nếu là vùng thường xuyên có nhện gié xuất hiện.
– Luân canh cây trồng bằng cách trồng cây trồng cạn để cắt đứt vòng đời của chúng như các cây họ đậu đồng thời làm tăng độ phì của đất.
2. Thuốc đặc trị nhện gié hại lúa
Nhện xuất hiện nhiều ở giai đoạn bắt đầu làm đòng đến trổ, vì vậy cần phát hiện sớm, phun thuốc trừ ngay từ thế hệ đầu tiên mới có hiệu quả cao. Có thể sử dụng một số thuốc đặc trị nhện như:
– Thuốc sinh học: Tasieu 1.9EC, Bemab 53WG, Reasgant 3.6EC
– Thuốc hóa học: Atamite 73EC, Discid 25EC, Wamtox 100EC
Chi tiết bà con xem tại: https://vietthanghanoi.vn/danh-muc-san-pham/thuoc-tru-sau/
Trước khi phun thuốc cần vô nước cho mực nước ruộng cao để đẩy nhện gié di chuyển lên phía trên thân lúa dễ dính thuốc. Do nhện gié sống trong bẹ lá lúa nên cần phun lượng nước cao mới có thể tiêu diệt được chúng (3-4 bình 16 lít/1.000 m2).
- Đảm bảo an toàn cho sản xuất trồng trọt trước rét đậm, rét hại
- Bệnh sương mai trên cây dưa hấu và biện pháp phòng trừ
- Bệnh phấn trắng trên cây dưa chuột (dưa leo) và biện pháp phòng trừ
- Bệnh khô cành khô quả trên cây cà phê và biện pháp phòng trừ
- Ngành nông nghiệp loại bỏ 1.256 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật độc hại